Thực thi ESG - ngân hàng cần hành động mạnh hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi các ngân hàng đi đầu trong áp dụng ESG thì hiệu ứng chính là sự thúc đẩy đắc lực những chuẩn mực mới về phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.
Cần một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG Cần một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG

ESG (Environment-Social-Governance/Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một trong những xu hướng chủ đạo sẽ định hình hoạt động kinh doanh trong thập kỷ tới, buộc các doanh nghiệp thuộc đa số ngành phải chuyển đổi mạnh mẽ. ESG cung cấp một khuôn khổ chung để xem xét tác động và sự phụ thuộc của một doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, cũng như chất lượng quản trị của chính doanh nghiệp đó.

Ngành ngân hàng có vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro chặt chẽ. Chính vì vậy, việc ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững. Bộ khung pháp lý thúc đẩy ESG đang trong quá trình hình thành và bây giờ là thời điểm cho ngân hàng hành động mạnh hơn.

Bà Đinh Hồng Hạnh, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính, Công ty PwC Việt Nam
Bà Đinh Hồng Hạnh, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính, Công ty PwC Việt Nam

Việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2022 đã thể hiện cam kết của Việt Nam đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Luật đặt ra khuôn khổ để Ngân hàng Nhà nước triển khai các chính sách liên quan nhằm bảo vệ môi trường thông qua dòng vốn đầu tư.

Trước đó, vào tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành bản Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này cho thấy nỗ lực đáng kể của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình hội nhập vào xu thế chuyển đổi ESG của các ngân hàng trung ương trong khu vực. Trước đó, vào năm 2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành cuốn Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong tiến trình tích hợp các tiêu chí ESG vào hoạt động ngành ngân hàng.

Tuy vậy, hiện nay, việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu, với một số cải cách bước đầu trong quy trình tín dụng. Sự chuyển đổi lớn còn ở phía trước khi các ngân hàng hình thành tầm nhìn, chiến lược ESG và triển khai chiến lược này.

Những thách thức phải đối mặt

Các bên liên quan của ngân hàng sẽ nhìn vào ESG như một cánh cửa dẫn đến tương lai của chính ngân hàng.

Vẫn còn rất nhiều thách thức mà ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải giải quyết trong quá trình áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh. Thứ nhất, đòi hỏi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG. Thứ hai, cần có một định hướng rõ ràng cả về mặt lên chiến lược và thực hiện. Thứ ba, có khả năng đánh giá rủi ro ESG để đề ra các phương án giải quyết phù hợp. Chính sự mới mẻ của khái niệm rủi ro ESG khiến việc triển khai áp dụng các công tác quản trị, đánh giá rủi ro ESG tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc.

Nhưng song song đó, việc các doanh nghiệp chuyển đổi áp dụng ESG cũng đem lại cơ hội to lớn về điều phối vốn cho các ngân hàng. Mặt khác, khi một ngân hàng hay tổ chức tài chính áp dụng ESG thì đó sẽ là một nhân tố tích cực trong việc đáp ứng các kỳ vọng từ bên ngoài của nhà đầu tư, cổ đông, đối tác, nhân viên, khách hàng.

Các bên liên quan của ngân hàng sẽ nhìn vào ESG như một cánh cửa dẫn đến tương lai của chính ngân hàng. Báo cáo và chỉ số ESG cũng là yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh kinh doanh. Kết hợp ba yếu tố ESG vào một báo cáo tích hợp và chiến lược tổng quát của ngân hàng sẽ đưa ra thông điệp rằng ngân hàng đang thực hiện các bước đi cần thiết để gia tăng tính khả thi và sinh lời trong dài hạn. Đây cũng chính là điều mà các nhà đầu tư muốn nhìn thấy trong danh mục đầu tư dài hạn của mình.

Thực thi ESG giúp ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Dòng vốn đầu tư nước ngoài là một nguồn quan trọng cho các ngân hàng nội địa muốn tăng vốn khi vốn chủ sở hữu còn mỏng, hoặc cần nâng cao chuẩn về an toàn vốn. Tuy nhiên, lại đang có ít ngân hàng trong nước công bố tiêu chuẩn về thực thi đánh giá ESG trong danh mục sản phẩm cho vay của mình. Chính điều này có thể khiến cho nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc đánh giá danh mục đầu tư liên quan đến nhóm ngân hàng.

Ngoài ra, ESG cũng sẽ ngày càng ảnh hưởng đến chiến lược M&A trong năm 2022 khi các nhà đầu tư sử dụng các tiêu chí này để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội kiến tạo giá trị. Với cam kết về giảm phát thải carbon của nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư tư nhân, theo dự đoán của PwC, nguồn vốn gia tăng sẽ được huy động đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang những mô hình kinh doanh xanh hơn và có trách nhiệm với xã hội hơn.

Đinh Hồng Hạnh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục