Đây là vấn đề không mới, nhưng luôn có sự tranh cãi giữa các bên về tính hiệu lực của việc ủy quyền này, đặc biệt là khi các tranh chấp bắt đầu phát sinh. Đó có thể là tranh chấp giữa cổ đông và HĐQT (chính những cổ đông trước đây đã tán thành ủy quyền cho HĐQT sau đó lại chuyển sang phản đối), hoặc giữa đối tác của công ty và công ty do không chấp nhận hiệu lực của Hợp đồng, vì cho rằng Hợp đồng cần được chính ĐHĐCĐ trực tiếp thông qua.
Cơ chế ủy quyền theo quy định pháp luật dân sự
Theo Bộ luật Dân sự 2015, đại diện được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khácxác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Đại diện bao gồm 2 cơ chế: i) đại diện theo ủy quyền, và ii) đại diện theo pháp luật. Trong đó, đại diện theo ủy quyền được quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật này: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
Như vậy, chủ thể của hoạt động “ủy quyền” phải là cá nhân, pháp nhân. Trong khi đó, ĐHĐCĐ theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp 2020 - là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết. Như vậy, ĐHĐCĐ đương nhiên không phải là cá nhân, còn đối chiếu với các đặc điểm của pháp nhân (có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác,…) thì ĐHĐCĐ cũng không phải là pháp nhân.
Khi không đáp ứng tiêu chí về chủ thể ủy quyền theo quy định pháp luật dân sự, thì khó có thể cho rằng ĐHĐCĐ được thực hiện việc ủy quyền cho các chủ thể khác, trong đó bao gồm cả HĐQT.
Cơ chế phân quyền, trao quyền trong quản trị công ty
Dù không thể thực hiện cơ chế ủy quyền, nhưng về nguyên tắc, ĐHĐCĐ hoàn toàn có thể thực hiện việc trao quyền, phân quyền cho những cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công ty được quyền thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của mình. Hiện nay Luật Doanh nghiệp 2020 hay Bộ luật Dân sự 2015 cũng không có quy định cấm hay hạn chế việc này.
Trong khi đó, trên thực tế, hiện nay đã có văn bản pháp luật ghi nhận việc ủy quyền cho HĐQT - Thông tư số 121/2012/TT-BTC. Thông tư này điều chỉnh về nhiều vấn đề trong công ty chứng khoán, bao gồm hoạt động quản trị, điều hành, hoạt động nghiệp vụ, quy định về tài chính, chế độ báo cáo.
Trong đó, tại Chương quy định về “Hoạt động quản trị điều hành trong công ty chứng khoán”, có 01 điều quy định về “Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên” liên quan đến nội dung ủy quyền cho HĐQT. Xin trích nguyên văn khoản 2 Điều 8 tại Thông tư này như sau: “Chức năng, nhiệm vụ và các nội dung ủy quyền cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, từng thành viên Hội đồng quản trị, từng thành viên Hội đồng thành viên phải được quy định tại Điều lệ công ty”.
Quy định này đề cập đến việc ủy quyền cho HĐQT và yêu cầu các nội dung ủy quyền này phải được quy định tại Điều lệ công ty. Theo đó, chủ thể được ủy quyền đã rõ là HĐQT, nhưng chủ thể ủy quyền là ai thì nội dung điều luật chưa đề cập. Tuy nhiên, xét theo cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần, không khó để thấy rằng ĐHĐCĐ với tư cách là cơ quan có quyền lực cao nhất của công ty, có những quyền hạn khác biệt với HĐQT, có thể tiến hành ủy quyền cho HĐQT thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của mình.
Mặc dù dùng từ “ủy quyền” nhưng như đã phân tích ở trên, “ủy quyền” không phải là cơ chế mà ĐHĐCĐ có thể thực hiện theo quy định pháp luật dân sự. Vì vậy, trong trường hợp này, “ủy quyền” tại Thông tư số 121/2020/TT-BTC, phải hiểu về bản chất đó chính là trao quyền, phân quyền lại.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên có văn bản pháp luật quy định về việc trao quyền cho HĐQT. Từ năm 2012, khi mà Thông tư số 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán được ban hành cũng đã có quy định gần tương tự như vậy (nay đã bị thay thế bởi Thông tư 121/2020/TT-BTC nêu trên).
Đồng thời, khi thử tìm kiếm trên internet, không khó để tìm ra một số Nghị quyết của ĐHĐCĐ thông qua nội dung trao cho HĐQT được thực hiện một số chức năng nhiệm vụ quyền hạn của ĐHĐCĐ như: sửa đổi, bổ sung Điều lệ; thông qua các quyết định đầu tư, hợp đồng bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty,…
Qua đó, phần nào cho thấy đây là một nhu cầu không thể phủ nhận và thực tế vẫn đang tồn tại, diễn ra ở nhiều công ty, dù không phải là công ty chứng khoán, đòi hỏi cần phải được ghi nhận và điều chỉnh. Việc ban hành một quy định dành cho các công ty nói chung liên quan đến cơ chế trao quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT là cần thiết. Song song đó, nhà làm luật có thể ràng thêm những điều kiện nhất định trong cơ chế trao quyền này, để bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng trong hoạt động quản trị công ty, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của những cổ đông thiểu số và nhà đầu tư có ý định bỏ vốn vào công ty.
Bảo vệ cổ đông thiểu số và nhà đầu tư có ý định bỏ vốn vào công ty
ĐHĐCĐ là cơ quan hoạt động theo cơ chế tập thể. Những nghị quyết có nội dung trao quyền cho HĐQT sẽ được thông qua nếu đáp ứng tỷ lệ % tán thành nhất định (trên 51% hoặc từ 65% trở lên tùy thuộc cụ thể vào nội dung trao quyền). Vì vậy, quyền quyết định sẽ nằm trong tay những cổ đông lớn. Đây là nguyên tắc đương nhiên không thể thay đổi, cũng không thể phủ nhận, hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của một công ty đối vốn như công ty cổ phần.
Do đó, dưới góc độ của cổ đông thiểu số, vấn đề mà pháp luật cần điều chỉnh để góp phần bảo vệ quyền lợi của họ chính là tạo ra khung pháp lý rõ ràng, hiệu quả trong việc trao quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT thông qua các quy định về: i) những vấn đề ĐHĐCĐ không được trao quyền cho HĐQT (ví dụ: quyền quyết định lương, thưởng của HĐQT); ii) thời hạn tối đa trao quyền cho HĐQT (06 tháng hoặc 12 tháng, sau đó bắt buộc nếu muốn tiếp tục trao quyền thì cần phải tổ chức ĐHĐCĐ để quyết định); iii) HĐQT có được trao quyền lại cho bên thứ 3 hay không (như trao quyền lại cho Chủ tịch HĐQT); iv) hình thức thông qua việc trao quyền cho HĐQT (có thể lấy ý kiến bằng văn bản, hay ĐHĐCĐ phải họp trực tiếp quyết định); v) chế độ báo cáo và trách nhiệm của HĐQT khi thực hiện các công việc được trao quyền,…
Ngoài ra, một trong những vấn đề cần quan tâm là quyền lợi của những cổ đông đến sau. Bởi lẽ quản trị công ty là một trong những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư phải xem xét khi quyết định đầu tư vốn. Nguyên tắc quản trị tốt đòi hỏi phải có sự tách bạch giữa cơ quan chủ sở hữu, cơ quan quản lý và cơ quan điều hành. Một công ty nếu trao quá nhiều quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT, sẽ cho thấy sự không phù hợp với thông lệ quản trị tốt. Khi người quản lý được trao quá nhiều quyền thì rủi ro lạm quyền rất có thể xảy ra.
Những nhà đầu tư khi đặt tiêu chí tách bạch trong quản trị công ty làm điều kiện tiên quyết để đầu tư, thì rõ ràng những công ty như vậy sẽ không khuyến khích họ đổ vốn vào.
Tuy nhiên, các nghị quyết của ĐHĐCĐ không phải là nội dung mà nhà đầu tư nào cũng có thể tiếp cận được (trừ trường hợp công ty đại chúng phải công bố công khai). Vì vậy, thiết nghĩ vấn đề pháp luật cần điều chỉnh chính là tạo ra một kênh, một cơ chế để nhà đầu tư có thể định vị, tìm kiếm xác định xem công ty mục tiêu mà mình hướng đến đầu tư đang có những quy định về trao quyền cho HĐQT hay không. Khi đó, hướng quy định tại Thông tư số 121/2020/TT-BTC có thể được tham khảo.
Cụ thể, những nội dung, quyền hạn mà ĐHĐCĐ trao quyền cho HĐQT cần phải được quy định rõ tại Điều lệ công ty. Như vậy, một khi đã định vị được vị trí ghi nhận, lưu giữ những thông tin này, thì việc nhà đầu tư tìm hiểu hoặc yêu cầu công ty mục tiêu cung cấp thông tin cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Từ đó, họ có đầy đủ cơ sở để đưa ra quyết định của mình.
Đồng thời, xét ở một khía cạnh khác, xuất phát từ chính các công ty mục tiêu. Việc ĐHĐCĐ trao quyền cho HĐQT cũng sẽ được cân nhắc một cách kỹ lưỡng hơn khi mà những nội dung này sẽ được công khai tại Điều lệ công ty và có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút nhà đầu tư bỏ vốn vào công ty như trên.
Tình trạng ĐHĐCĐ trao quyền cho HĐQT không phải là hiếm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần ban hành cơ chế để kiểm soát việc trao quyền được thực hiện hiệu quả, minh bạch, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các cổ đông thiểu số và những nhà đầu tư có liên quan.
(Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm cơ quan, tổ chức nào).