Để giảm thiểu tác động tiêu cực cho người dân và DN, do những bất ổn trong ban hành, áp dụng thông tư đang bộc lộ, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, đề xuất bỏ bớt một số loại văn bản quy phạm pháp luật như thông tư liên tịch, chỉ thị... Theo ông như vậy đã ổn?
Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện rất tốn kém, rắc rối với một rừng thủ tục. Tuy nhiên, trên thực tế, văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng thấp: nội dung bất cập; hình thức mâu thuẫn, chồng chéo… tạo ra một hệ thống văn bản pháp luật phức tạp nhất thế giới như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhưng hiệu quả, hiệu lực thì ngược lại. Do đó, bên cạnh việc bỏ bớt một số loại văn bản quy phạm pháp luật như thông tư liên tịch, chỉ thị của UBND cấp tỉnh và các văn bản của UBND cấp xã, dự thảo Luật cần bỏ hết các văn bản khác của chính quyền các cấp, để tránh phức tạp, trùng lặp, chỉ nên giữ lại một hình thức văn bản là quyết định của UBND cấp tỉnh.
Dự thảo Luật cũng cần bổ sung các quy định để hạn chế tối đa các bộ ban hành thông tư, nhằm giảm bớt sự rắc rối, mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời hạn chế tình trạng nghiêng lệch theo nhóm lợi ích.
Cộng đồng DN đang bức xúc trước thực trạng các bộ chậm ban hành thông tư hướng dẫn luật, nghị định, bởi điều này khiến DN đối mặt với nhiều phiền toái, thậm chí thiệt hại. Các DN đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định: sau khi luật, nghị định được ban hành, thì trong thời hạn cụ thể là bao lâu, các bộ phải ban hành thông tư hướng dẫn. Ông có ủng hộ đề xuất này?
Đúng là hiện nay, việc các bộ, cơ quan ngang bộ chậm ban hành thông tư đang diễn ra khá phổ biến, đáng báo động, mặc dù Luật đã quy định rõ là văn bản hướng dẫn phải được ban hành cùng với văn bản gốc. Điều này khiến cho luật, pháp lệnh, nghị định đã có hiệu lực, nhưng trong không ít trường hợp không thể đi vào cuộc sống, do phải chờ thông tư hướng dẫn. Điều này tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của người dân, DN. Vì vậy, cần khắc phục tình trạng này bằng việc quy định cụ thể thời hạn và chế tài buộc các bộ phải ban hành thông tư sau khi luật, nghị định đã được ban hành.
Tuy nhiên, dù có quy định như vậy thì vẫn không xử lý được bất cập hiện tại. Theo tôi, nếu không quản chặt đến mức phải “cấp phép” ban hành thông tư, thì cũng cần phải cơ bản loại bỏ tình trạng thông tư được ban hành và sửa đổi tràn lan, vô tội vạ như lâu nay. Chẳng có lý do gì, một vấn đề đã được quy định trong luật, rồi hướng dẫn tiếp trong nghị định mà lại phải tiếp tục cần đến thông tư. Nếu có biện pháp “ngăn cấm” ban hành thông tư vô tội vạ, thì sẽ nâng cao trách nhiệm xây dựng luật và nghị định, từ đó các bộ không còn cơ hội đùn đẩy mọi thứ xuống thông tư.
Một số chuyên gia, DN quan ngại rằng, khi ban hành thông tư, có bộ “sáng tạo” ra những nội dung vênh với các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, gây khó, thậm chí gây thiệt hại cho DN. Theo ông, dự thảo Luật có cần bổ sung quy định quy trách nhiệm cho cơ quan, người có thẩm quyền ban hành thông tư gây nên những hậu quả tiêu cực?
Để giải quyết bất cập trên, điểm h, khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật…
Tuy nhiên, quy định như vậy là chưa rõ, khó quy trách nhiệm khi xảy ra các vi phạm, vì chưa rõ cơ chế xác định trách nhiệm của người, cấp có thẩm quyền ban hành văn bản trái Hiếp pháp, luật ở cấp cao hơn thông tư, khi hiện nay mới chỉ giao cho Bộ Tư pháp kiểm soát các thông tư trở xuống.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định làm rõ chịu trách nhiệm như thế nào, ai chịu trách nhiệm. Nếu quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì tòa án nào xử lý, vì theo Luật Tố tụng hành chính, Tòa hành chính chỉ thụ lý các vụ kiện với văn bản hành chính, không thụ lý vụ kiện đối với văn bản quy phạm pháp luật.
Nếu không có cơ chế đột phá giải quyết tình trạng trên, một khi các cơ quan hành pháp cấp bộ vẫn khá thoải mái lấn sang quyền lập pháp, thì nguy cơ “rừng rậm” văn bản pháp luật xung đột, chồng chéo, đá nhau sẽ vẫn tiếp diễn.