Liên quan đến chuyện “bếp núc” xây dựng thông tư của các bộ, có nhiều ý kiến khá… sốc được các doanh nghiệp nêu ra tại Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mới”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp, tổ chức hôm nay (13/8).
Từ kinh nghiệm quản lý nhà nước, từng tham gia soạn thảo các thông tư trong lĩnh vực do Bộ Công thương quản lý, nay đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, ông Hưng, cho biết thêm, nhiều thông tư, ở các bản dự thảo đầu tiên có tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng khi đến bản dự thảo cuối cùng không còn bóng dáng các ý kiến góp ý của họ nữa, mà chỉ còn “đặc sệt” quan điểm của các bộ.
“Cùng với việc cắt gọt ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, ban soạn thảo thông tư do các bộ thành lập còn tùy ý bổ sung các nội dung mới theo ý chủ quan của họ vào bản dự thảo cuối cùng trước khi ban hành, nên tác động tiêu cực đến chất lượng thông tư khi đưa vào áp dụng...”, ông Hưng nói.
Trả lời câu hỏi của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), khi còn ở cương vị Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong quá trình tham gia xây dựng thông tư, ông có tìm cách “lách” để gạt bỏ ý kiến góp ý của doanh nghiệp, ông Hưng thừa nhận, khó tránh khỏi. Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng này, Luật ban hành VBQPPL mới cần bổ sung quy định đủ chặt chẽ, khả thi.
Để khắc phục tình trạng tùy tiện, chủ quan của các bộ trong ban hành thông tư theo kiểu dễ cho cơ quan quản lý, khó cho người thực hiện, đại diện các doanh nghiệp đề xuất một số giải pháp và đề nghị Ban soạn thảo Luật ban hành VBQPPL mới là Bộ Tư pháp tiếp thu. Nội dung nào không tiếp thu cần giải thích rõ ràng.
“Dự thảo Luật cần quy định rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp không được áp đặt các điều kiện, đưa ra các tiêu chuẩn hành xử, hay có các quy định hạn chế hoạt động của tổ chức, cá nhân…”, ông Ngô Việt Hòa đến từ Công ty Luật Russin & Vecchi đề xuất.
Ông Hưng đề nghị, Luật ban hành VBQPPL mới cần quy định thời điểm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với các thông tư là với bản dự thảo cuối cùng, để khắc phục tình trạng các bộ đang lấy ý kiến theo kiểu hình thức, đối phó như hiện tại. Với những ý kiến mà các bộ không tiếp thu, Luật cần có quy định buộc các bộ giải thích rõ ràng, chứ không thể tùy tiện tiếp thu hoặc không tiếp thu như hiện tại.