Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong quý I/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần ban hành 90 văn bản quy định chi tiết, trong đó có 58 văn bản nợ từ cuối năm 2013 chuyển sang và 32 văn bản mới phát sinh. Tuy nhiên, đến hết ngày 17/3, vẫn còn tới 70 văn bản chưa được ban hành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cần đẩy nhanh quy trình thẩm định, trình các thành viên Chính phủ hay đưa ra các phiên họp Chính phủ xem xét đều phải quyết nhanh. Trong số 58 văn bản nợ từ năm 2013, yêu cầu các bộ xem xét lại, những văn bản nào chưa thực sự cần thì rút lại.
“Muốn giảm bớt văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật, đội ngũ xây dựng luật phải giỏi, đi vào cuộc sống được ngay, không cần nghị định hướng dẫn. Nhưng biên chế cán bộ pháp chế quá ít, lại không được phép tăng. Tuyển hợp đồng thì không có người giỏi, có tuyển được một thời gian họ cũng chán mà bỏ, nên chất lượng luật hạn chế cũng như nợ văn bản hướng dẫn luôn lớn”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.
Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, rất khó để xây dựng luật mà không cần nghị định hướng dẫn, bởi có những vấn đề quá rộng, khó có thể điều chỉnh chi tiết đầy đủ mọi vấn đề, nên phải vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để bổ sung, sửa đổi cho đầy đủ.
Về chương trình xây dựng pháp luật năm 2015, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị đưa vào chương trình việc xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra và Luật Phòng chống tham nhũng.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, cả hai luật này đều mới được sửa đổi, bổ sung, nên chưa cần thiết. Hơn nữa, chương trình họp của Quốc hội với 38 luật, pháp lệnh cần bàn bạc đã quá nặng, nếu thêm hai luật này có thể phải xin có thêm phiên họp Quốc hội bất thường mới đủ thời gian thảo luận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Luật Thanh tra có thể chưa cần trình Quốc hội sửa đổi vào năm 2015, nhưng có thể tổng kết thi hành luật, rút kinh nghiệm trước, rồi trình Quốc hội sửa đổi sau. Riêng với Luật Phòng chống tham nhũng, việc sửa đổi, bổ sung cần phải làm ngay, vì đây là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn, nên không thể chần chừ.