Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung, có gì mới?

(ĐTCK) Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia về những bất cập của Luật Kế toán 2003 trong các đợt rà soát văn bản luật này đã được Ban soạn thảo Luật tiếp thu và đưa vào trong bản dự thảo.
Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung, có gì mới?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Với quan điểm không rà soát, sửa đổi toàn bộ nội dung của Luật, mà chỉ tập trung vào những vấn đề lớn thật sự cần thiết, xuất phát từ các yêu cầu của thực tế, yêu cầu hội nhập và yêu cầu của các văn bản pháp luật liên quan, dự thảo Luật chỉ  tập trung sửa đổi, bổ sung 10 điều trong Luật Kế toán 2003.

Đó là các điều luật quy định về nguyên tắc kế toán; các hành vi bị nghiêm cấm; lập chứng từ kế toán; hóa đơn bán hàng; mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán; hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính; kiểm tra kế toán; trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; hành nghề kế toán và hội nghề  nghiệp kế toán.

Điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật Kế toán bổ sung, sửa đổi lần này là quy định về nguyên tắc kế toán (Điều 7). Cụ thể, bên cạnh nguyên tắc ghi nhận giá trị tài sản theo giá gốc như luật hiện hành, Dự thảo đã bổ sung quy định, đối với một số loại tài sản có giá trị thường xuyên biến động theo giá thị trường thì đơn vị kế toán được hạch toán theo giá gốc hoặc theo giá trị hợp lý theo quy định của Bộ Tài chính.

Quy định mới này, theo PGS. TS Chúc Anh Tú, Học viện Tài chính, sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến việc hạch toán của các khoản đầu tư tài chính của DN.

Theo ông Tú, nếu áp dụng phương pháp ghi nhận theo giá gốc thì cuối kỳ kế toán, nếu chứng khoán giảm giá, DN sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng.

Còn nếu áp dụng nguyên tắc kế toán giá trị hợp lý (giá thị trường), thì tại thời điểm phát sinh, việc ghi nhận giá trị khoản đầu tư ban đầu cũng tương tự như phương pháp giá gốc, nhưng cuối kỳ kế toán, DN vẫn tiếp tục nắm giữ khoản đầu tư tài chính đó, thì giá trị khoản đầu tư sẽ được ghi nhận theo giá thị trường. Có nghĩa là, nếu thị giá chứng khoán tại thời điểm đó thấp hơn giá mua ban đầu, DN sẽ phải ghi nhận khoản giảm giá, nhưng nếu thị giá chứng khoán cao hơn giá trị đầu tư ban đầu, DN sẽ được ghi nhận khoản lãi. Phương pháp này sẽ phản ánh đúng hơn giá trị tài sản thực tế của DN.

Trong dự thảo Luật lần này, các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 14) cũng được bổ sung, trong đó, có quy định cấm lập hai hoặc nhiều hệ thống sổ kế toán tài chính khác nhau.

Trên thực tế, việc các DN, cơ quan lập hai hoặc nhiều hệ thống sổ kế toán để “phục vụ” các đối tượng khác nhau (hệ thống kế toán phục vụ mục đích quản lý nội bộ khác với hệ thống để đối phó với cơ quan thuế, cơ quan thanh tra kiểm toán…) diễn ra khá phổ biến, dù hành vi này đã bị nghiêm cấm trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng đây là lần đầu tiên quy định cấm đối với hành vi này được luật hóa.

Quy định về kiểm tra kế toán tại dự thảo cũng được cụ thể hóa hơn so với luật hiện hành. Theo đó, bên cạnh Bộ Tài chính, thì các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác kế toán được quy định trong dự thảo Luật là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tài chính, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế.

Đặc biệt, Dự thảo đã bổ sung thêm đối tượng có thẩm quyền kiểm tra là chủ sở hữu vốn có quyền kiểm tra kế toán tại đơn vị kế toán do mình là chủ sở hữu hoặc nắm giữ trên 50% vốn cổ phần; đơn vị kế toán cấp trên.

Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung các quy định về việc lập chứng từ kế toán điện tử, lưu trữ chứng từ kế toán điện tử bên cạnh hệ thống chứng từ kế toán trên giấy truyền thống, nhằm phù hợp với điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển…

Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được đưa ra trình Quốc hội trong trong năm 2014, 2015 và chính thức được áp dụng từ 1/1/2016.                  

>>Sửa Luật Kế toán theo hướng đề cao tính minh bạch

>>Kiểm tra kế toán đang bị buông lơi

Hằng Phương
Hằng Phương

Tin cùng chuyên mục