“Con to hơn bố…”
Đó là ví von của luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) khi nhìn nhận về “rừng” giấy phép con, cháu do các văn bản dưới luật “đẻ” ra khi quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh đang có quyền “to” hơn luật. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của quy định pháp luật điều chỉnh việc đăng ký, thành lập, cũng như hoạt động của DN, khiến họ bị “hành”.
Hạn chế trên, theo nhìn nhận của các chuyên gia tại Hội thảo “Dự báo tác động của Luật DN sửa đổi, nhìn từ góc độ chỉ số kinh doanh toàn cầu 2013” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và VACD phối hợp tổ chức ngày 29/7, vẫn chưa được khắc phục tại dự thảo Luật DN sửa đổi.
Cụ thể, khi quy định về ngành nghề và điều kiện kinh doanh, dự thảo 4 của Luật DN sửa đổi quy định: Chính phủ định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; kiến nghị bổ sung, sửa đổi danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp...
Quy định trên, theo ông Tiền là không hợp lý, không khắc phục được bất cập hiện tại. Đó là dẫn tới nguy cơ tùy từng lĩnh vực cụ thể mà Chính phủ có thể ủy quyền cho các bộ hướng dẫn về ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, gây khó cho DN.
Hiến pháp quy định người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng giao cho Chính phủ thẩm quyền quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì tinh thần cải cách của Hiến pháp phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, thậm chí thông tư của các bộ, mới có hiệu lực trên thực tế.
Theo các chuyên gia, dự thảo luật cần điều chỉnh theo hướng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các danh mục: ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh…, thay vì trao quyền cho Chính phủ như hiện tại. Nếu lấy lý do các danh mục này thường biến động, quy định “cứng” trong luật sẽ gây khó cho DN, thì không thuyết phục, bởi có thể khắc phục được vấn đề này nếu dự thảo luật quy định: việc sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được thực hiện bằng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, nội dung sửa đổi này sẽ được cập nhật vào luật khi được đưa ra Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
Còn quy định chung chung
Đó là nhìn nhận của các chuyên gia khi đánh giá quy định về công ty cổ phần tại dự thảo 4 Luật DN sửa đổi, mặc dù đã trải qua nhiều lần tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, DN. Sở dĩ như vậy là bởi luật chưa phân tách thành các loại công ty cổ phần vốn có nhiều đặc thù trong thực tiễn hoạt động. Với tính chất không giống nhau này, nhưng dự thảo luật lại buộc tất cả các công ty cổ phần đều chịu điều chỉnh bởi các quy định về mô hình quản trị, nghĩa vụ công bố thông tin, hay phát hành chứng khoán để huy động vốn là không hợp lý. Điều này nếu đưa vào áp dụng trên thực tế sẽ gây khó cho DN.
Để khắc phục bất cập trên, dự thảo luật cần phân tách thành các loại công ty cổ phần khác nhau như: công ty nội bộ, công ty đại chúng chưa niêm yết, công ty đại chúng niêm yết. Trên cơ sở sửa đổi theo hướng này, dự thảo luật sẽ đưa ra các quy định điều chỉnh các mặt hoạt động phù hợp với đặc thù của từng loại công ty cổ phần.
Việc khắc phục những bất hợp lý trên, cũng như một số nội dung bất ổn khác, theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, sẽ giúp Luật DN sửa đổi khi được thông qua và áp dụng, tạo bước đột phá trong “cởi trói” cho hoạt động sản xuất - kinh doanh như kỳ vọng của cộng đồng DN.