Thông tin Ebola lại khiến giới đầu tư rụt tay

(ĐTCK) Đang hứng khởi mua vào với kết quả kinh doanh quý III khả quan của các doanh nghiệp được công bố, giới đầu tư phố Wall giật mình rụt tay khi nghe thông tin 1 nhân viên y tế Mỹ trở về từ Tây phi có triệu chứng nhiễm Ebola.
Nếu không có thông tin về Ebola, phố Wall đã có phiên tạo sóng lớn - Ảnh: Reuters Nếu không có thông tin về Ebola, phố Wall đã có phiên tạo sóng lớn - Ảnh: Reuters

Thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa công bố tiếp tục tích cực, giúp phố Wall tăng điểm mạnh, đặc biệt là kết quả khả quan của 2 bluechip Caterpillar và 3M Co khi cả 2 công bố kết quả khả quan.

Theo số liệu của Thomson Reuters, trong 177 doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, có 69,5% số doanh nghiệp có lợi nhuận vượt kỳ vọng, cao hơn mức trung bình 67% của 4 quý gần nhất và cao hơn nhiều mức 63% mức trung bình 20 năm.

Ngoài ra, theo dữ liệu vừa công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ có tuần thứ 6 liên tiếp dưới mức 300.000 đơn cho thấy thị trường lao động đã dần thoát ra khỏi khó khăn.

Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall bị hãm bớt cuối phiên khi thông tin về 1 nhân viên y tế của Mỹ có triệu chứng của bênh Ebola khi vừa từ vùng dịch Tây phi trở về.

Ebola là một đại dịch nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và thời gian ủ bệnh lớn, nên rất khó phát hiện, vì thế khả năng bùng phát cũng rất nguy hiểm. Nếu dịch bệnh này lay lan ở Mỹ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ tới xã hội, mà cả nền kinh tế vốn đang nhúc nhắc hồi sinh. Vì thế, những ca nghi nhiễm bệnh này tại Mỹ là rất nhạy cảm với giới đầu tư.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Dow Jones tăng 216,58 điểm (+1,32%), lên 16.677,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,71 điểm (+1,23%), lên 1.950,82 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 69,95 điểm (+1,60%),  lên 4.452,79 điểm.

Những tín hiệu tích cực từ phố Wall đã lan tỏa sang chứng khoán châu Âu, giúp các thị trường này dần đảo chiều tăng điểm, dù mở cửa trong sắc đỏ và giằng co quanh tham chiếu trong suốt phiên sáng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu được công bố không mấy khả quan đã hãm đà tăng của chứng khoán.

Trong số các doanh nghiệp thuộc STOXX Europe 600 báo cáo kết quả kinh doanh quý III cho đến nay, có tới 36% công ty không đạt kỳ vọng, cao hơn so với mức 29% trên phố Wall của S&P 500.  

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 19,42 điểm (+0,30%), lên 6.419,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 107,17 điểm (+1,20%), lên 9.047,31 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 52,59 điểm (+1,28%), lên 4.157,68 điểm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tăng nhẹ lên mức 50,4 so với mức 50,2 trong tháng 9, mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích. Sau khi dữ liệu này được công bố, các thị trường chứng khoán chính của châu Á đều giảm điểm.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 56,81 điểm (-0,37%), xuống 15.138,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 70,79 điểm (-0,30%), xuống 23.333,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 24,14 điểm (-1,04), xuống 2.302,42 điểm.

Vàng cũng có ngày lao mạnh khi giới đầu tư nhận thấy nhiều cơ hội kiếm lời trên thị trường chứng khoán, trong khi đồng USD cũng tăng mạnh trở lại gây áp lực lên giá kim loại quý này. Ngoài ra, giá vàng giảm mạnh trong phiên còn do áp lực bán kỹ thuật.

Kết thúc phiên 23/10, giá vàng giao ngay giảm 9,1 USD (-0,73%), xuống 1.231,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 16,4 USD (-1,32%), xuống 1.229,1 USD/ounce.

Giá dầu tăng mạnh trở lại sau thông tin Ả Rập Xêút cắt giảm nguồn cung ra thị trường trong tháng 9, dù sản lượng khai thác tăng so với tháng trước.

Kết thúc phiên 23/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 1,57 USD (+1,91%), lên 82,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,12 USD (+2,44%), lên 86,83 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục