Giới đầu tư buồn vui với kết quả kinh doanh quý III

(ĐTCK) Hy vọng vào kết quả kinh doanh khả quan giúp phố Wall có phiên khởi đầu tuần mới tích cực, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều có kết quả như kỳ vọng.
Cổ phiếu IBM khiến Dow Jones lùi lại phía sau trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters Cổ phiếu IBM khiến Dow Jones lùi lại phía sau trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Chứng khoán Mỹ mở cửa tuần mới khá tích cực với việc các chỉ số có mức tăng khá cao khi giới đầu tư kỳ vọng vào mùa công bố kết quả kinh doanh bội thu. Tuy nhiên,chỉ số Dow Jones lại chỉ có sắc xanh nhạt do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh không như mong đợi của IBM.

Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, doanh thu trong quý III của IBM đã không như kỳ vọng, khiến đại gia công nghệ này giảm 7,1% và theo tính toán của giới phân tích, cổ phiếu này đã lấy đi khoảng 13 điểm của Dow Jones.

Trái ngược với IBM, cổ phiếu Apple lại tăng mạnh 12% khi công bố doanh thu tốt hơn dự kiến sau khi ra mắt iPhone 6.

Trong số 87 công ty công bố lợi nhuận tính tới thứ Hai (20/10), có 63,2% số công ty có lợi nhuận vượt kỳ vọng, tương đương mức trung bình 20 năm, nhưng thấp hơn mức 67% mức trung bình của 4 quý gần nhất, theo số liệu của Thomson Reuters.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đã giảm 15,5%, giảm xuống dưới đường trung bình 14 ngày. Trong 2 tuần qua, chỉ số này đã tăng tới 51% cho thấy giới đầu tư thực sự hoảng sợ trước nguy cơ suy thoái và đại dịch Ebola.

Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Dow Jones tăng 19,26 điểm (+0,12%), lên 16.399,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,25 điểm (+0,91%), lên 1.904,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 57,64 điểm (+1,35%), lên 4.316,07 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau khi đại gia sản xuất phần mềm doanh nghiệp SAP của Đức giảm triển vọng lợi nhuận của năm, cổ phiếu công nghệ đã lao dốc, kéo chứng khoán châu Âu giảm điểm, trong đó chứng khoán Đức giảm 1,5%.

Kết thúc phiên 20/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 43,22 điểm (-0,68%), xuống 6.267,07 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 132,51 điểm (-1,50%), xuống 8.717,76 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 41,94 điểm (-1,04%), xuống 3.991,24 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có ngày tăng tốt nhất kể từ tháng 6/2013 nhờ thông tin Quỹ hưu trí 1,2 tỷ USD của Chính phủ có khả năng tăng gấp đôi danh mục đầu tư cổ phiếu nội địa của mình, lên khoảng 25% trong danh mục đầu tư từ mức 12% như hiện nay.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, cũng như việc đồng yên giảm trở lại với đồng USD cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Nhật Bản. Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ được công bố cuối tuần trước cũng giúp chứng khoán Hồng Kông tăng điểm nhẹ trong phiên đầu tuần mới.

Thông tin tích cực khác hỗ trợ cho TTCK là các Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu đã bắt đầu tiến hành một số hình thức nới lỏng tiền tệ, dù rất thận trọng.

Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 578,72 điểm (+3,98%), lên 15.111,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 47,05 điểm (+0,20%), lên 23.070,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 15,54 điểm (+0,66), lên 2.356,73 điểm.

Việc đồng bạc xanh giảm 0,13% so với rổ tiền tệ mạnh giúp giá vàng có phiên tăng tốt ngay khi mở cửa tuần mới. Bên cạnh đó, những mỗi lo về suy thoái kinh tế và đại dịch Ebola cũng là những thông tin hỗ trợ cho giá kim loại quý này tăng.

Kết thúc phiên 20/10, giá vàng giao ngay tăng 8,7 USD (+0,7%), lên 1.246,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 5,7 USD (+0,46%), lên 1.244,7 USD/ounce.

Dù cũng nhận được thông tin hỗ trợ từ việc đồng USD giảm giá, nhưng giá dầu vẫn giảm trong phiên đầu tuần do những lo ngại về nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu được dự báo sẽ giảm do kinh tế yếu kém.

Kết thúc phiên 20/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,04 USD (-0,05%), xuống 82,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,76 USD (-0,89%), xuống 85,31 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục