Sau tín hiệu bắt đáy ngày thứ Năm, phố Wall bước vào phiên giao dịch cuối tuần với sự hứng khởi hiếm có trong tuần này. Sắc xanh xuất hiện ngay khi thị trường mở cửa và duy trì mức tăng cao trong suốt phiên.
Sau dữ liệu thất nghiệp và sản lượng công nghiệp tích cực được công bố hôm thứ Năm (16/10), phố Wall lại đón nhận thêm các thông tin tích cực trong thứ Sáu.
Theo đó, doanh số bán nhà ở mới xây, cũng như giấy phép xây dựng được cấp tăng trong tháng 9, trong khi niềm tin tiêu dùng trong tháng 10 lên cao nhất 7 năm. Đây là những dữ liệu giúp giới đầu tư giảm bớt lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.
Theo giới phân tích, ngoài các dữ liệu kinh tế khả quan trên, thì kỳ vọng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) sôi động trở lại đã giúp phố Wall hồi phục mạnh mẽ.
Theo Reuters, hoạt động M&A trong tháng 10 của Mỹ rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1,7 tỷ USD tổng giá trị được công bố, trong khi 9 tháng đầu năm, con số này lên tới 250 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Goldman Sachs, tháng11 là tháng có hoạt động M&A sôi động nhất trong năm khi đóng góp tới 14% tổng giá trị các thương vụ M&A trong năm. Trong khi đó, tháng 10 thường đóng góp khoảng 8% và tháng 12 là 10%.
Cùng với việc thị trường giảm mạnh, nhiều cổ phiếu giảm giá, thì hoạt động M&A được dự báo sẽ được kích hoạt sôi động trở lại. Theo thống kê, trong phiên thứ Năm, có tới 605 cổ phiếu của phố Wall xuống mức thấp nhất 52 tuần, trong khi chỉ có 21 mã có mức giá cao nhất 52 tuần. Sang đến phiên cuối tuần, số mã thấp nhất 52 tuần chỉ còn 153 mã. Đây chính là cơ hội tốt để mua vào và thật sự sai lầm nếu để nó vọt qua, theo Kim Forrest, một nhà phân tích của Fort Pitt Capital Group.
Ngoài ra, tuần tới, thị trường sẽ dồn dập đón các thông tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp. Theo kế hoạch, tuần tới sẽ có 128 doanh nghiệp trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong thành phần của Dow Jones.
Theo dự báo của Thomson Reuters, lợi nhuận của các doanh nghiệp S&P 500 trong quý IV tăng khoảng 6,9%, cao hơn mức 6,5% của quý trước, trong khi tăng trưởng doanh thu khoảng 3,8%.
Ngay trong phiên cuối tuần, thị trường cũng đã nhận được tín hiệu tích cực của mùa công bố kết quả kinh doanh khi General Electric,Honeywell International Inc và Morgan Stanley có kết quả vượt dự báo.
Trong 81 số công ty trong chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả quý III, 64,% đánh bại kỳ vọng, thấp hơn một chút so với mức trung bình 4 quý gần nhất, nhưng tốt hơn so mức trung bình 20 năm qua.
Dù có phiên hồi phục mạnh cuối tuần, nhưng không thể giúp phố Wall tránh khỏi tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp, mà chỉ giúp các chỉ số chính hạn chế tới mức thấp nhất số điểm bị mất trong tuần. Trong tuần, phố Wall đã trải qua những phiên bán tháo trong hoảng loạn khi giới đầu tư lo ngại về suy thoái toàn cầu, tranh cãi quanh chính sách tiền tệ của FED và lo lắng về dịch bệnh Ebola.
Kết thúc phiên 17/10, chỉ số Dow Jones tăng 263,17 điểm (+1,63%), lên 16.380,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24 điểm (+1,29%), lên 1.886,76 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 41,05 điểm (+0,97%), lên 4.258,44 điểm. Trong tuần, Dow Jones giảm 0,99%, S&P 500 mất 1,02% và Nasdaq cũng giảm 0,42%.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần sau những phiên nhà đầu tư “sống trong sợ hãi” của tuần này. Sau tín hiệu hồi phục phiên thứ Năm nhờ dữ liệu tích cực từ Mỹ, chứng khoán châu Âu đã có phiên tăng mạnh nhất 3 năm trong phiên cuối tuần, cũng nhờ các dữ liệu khả quan từ kinh tế đến kết quả kinh doanh từ Mỹ được công bố. Phiên tăng điểm này đã giúp các chỉ số chứng khoán chính của châu Âu lấy lại gần hết những gì đã đánh mất trong tuần, thậm chí với mức tăng hơn 3%, chỉ số DAX tại Đức còn có tuần tăng điểm.
Kết thúc phiên 17/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 114,38 điểm (+1,85%), lên 6.310,29 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 267,37 điểm (+3,12%), lên 8.850,27 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 114,56 điểm (+2,92%), lên 4.033,18 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,47%, trong khi chỉ số DAX tăng 0,7%, chỉ số CAC 40 giảm 0,99%.
Trong khi đó, nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi chứng khoán Nhật Bản, giúp thị trường này giảm sâu. Trong tuần trước (từ 6-10/10), các nhà dầu tư nước ngoài rút ròng 3,2 tỷ USD khỏi chứng khoán Nhật Bản khiến chỉ số Nikkei 225 giảm 2,5% và xu hướng này tiếp tục diễn ra trong tuần này, khiến chỉ số này thậm chí còn giảm mạnh hơn, tới hơn 5%. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại luôn lặp lại 1 phiên tăng, 1 phiên giảm, nhưng kết thúc tuần vẫn giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 17/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 205,87 điểm (-1,40%), xuống 14.532,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 122,27 điểm (+0,53%), lên 23.023,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 15,32 điểm (-0,65), xuống 2.341,18 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 5,02%, chỉ số Hang Seng giảm nhẹ 0,28% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,4%.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế và dịch bệnh Ebola đã hỗ trợ cho giá vàng tiếp tục có tuần tăng giá. Trong phiên cuối tuần, khi nhận thấy thị trường chứng khoán có nhiều cơ hội, nhà đầu tư đã chốt lời trên thị trường vàng để quay lại với chứng khoán. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá kim loại quý này hồi dần khi những rủi ro về suy thoái kinh tế và dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.
Theo cuộc thăm dò tuần này của Kitco, số người dự báo giá vàng có thể tiếp tục tăng trong tuần tới đã khiêm tốn hơn khi chỉ còn 8 người so với 10 người của tuần trước. Trong khi đó, số người cho rằng, giá kim loại quý này sẽ giảm trở lại đã nhích lên thành 10 người so với 9 của tuần trước. Trong khi số người giữ ý kiến trung lập hoặc cho rằng giá vàng sẽ đi ngang là 5 người so với 4 của tuần trước.
Kết thúc phiên 17/10, giá vàng giao ngay giảm 0,7 USD (-0,06%), xuống 1.238,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 2,2 USD (-0,18%), xuống 1.239 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,24%, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,42%.
Giá dầu tiếp tục hồi phục nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố khả quan. Tuy nhiên, mức tăng trong phiên cuối tuần khiêm tốn hơn rất nhiều so với phiên thứ Năm. Mặc dù có 2 phiên hồi phục, nhưng với những phiên lao dốc mạnh trong tuần, giá năng lượng này vẫn không tránh được tuần giảm thạm hại tiếp theo.
Kết thúc phiên 17/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 0,05 USD (+0,06%), lên 82,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,07 USD (+0,08%), lên 84,54 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 3,58%, trong khi dầu thô Brent giảm tới 6,31%. Mức giảm lần lượt của tuần trước là 4,37% và 2,25%.