Chứng khoán liên tiếp nhận “doping” liều cao

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp khả quan, đặc biệt là thông tin ECB sẽ thực hiện chương trình mua trái phiếu để giúp hồi sinh nền kinh tế EU giúp chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt tăng mạnh.
Phố Wall tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh quý III khả quan của các doanh nghiệp và thông tin từ ECB - Ảnh: Reuters Phố Wall tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh quý III khả quan của các doanh nghiệp và thông tin từ ECB - Ảnh: Reuters

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp liên tiếp được công bố đã giúp các chỉ số chính của phố Wall bay cao. Chỉ số Dow Jones tăng hơn 1,3%, trong khi S&P 500 tăng gần 2% và Nasdaq tăng mạnh nhất với 2,4%.

Ngoài ra, giới đầu tư phố Wall còn hưng phấn sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét việc mua trái phiếu doanh nghiệp, một hình thức như gói kích thích kinh tế của FED, để nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung tránh khỏi đợt suy thoái tiếp theo.

Trong số các bluechip trên sàn, cổ phiếu của Apple tiếp tục tăng mạnh khi công bố kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng sau khi tung iPhone 6 ra thị trường.  Ngoài ra, còn có các cổ phiếu khác như của Texas Instruments Inc…

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Dow Jones tăng 215,14 điểm (+1,31%), lên 16.614,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,27 điểm (+1,96%), lên 1.941,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 103,40 điểm (+2,40%), lên 4.419,48 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường mở cửa trong sắc đỏ, nhưng sau khi thông tin về việc ECB đang xem xét chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp, tất cả đều bừng tỉnh trở lại, tăng vọt lên mức trên dưới 2%. Theo các nguồn tin, chương trình này sẽ được thực hiện trong tháng 12 hoặc đầu năm tới, nhằm giúp các ngân hàng, đặc biệt là ở các nước Nam Âu đang gặp khó khăn giải phóng khối nợ xấu.

Mặc dù vậy, giới đầu tư châu Âu vẫn đang khá ái ngại khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố không mấy khả quan. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của EU, nên sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này ảnh hướng khá lớn tới chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 105,26 điểm (+1,68%), lên 6.372,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 169,20 điểm (+1,94%), lên 8.886,96 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 90 điểm (+2,25%), lên 4.081,24 điểm.

Chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch hôm qua chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dữ liệu kinh tế của Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 9 cũng tăng 8% cao hơn dự báo, tăng trưởng GDP trong quý III của nước này ở mức 7,3%, cũng cao hơn mong đợi, nhưng vẫn là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Sau thông tin này, chứng khoán Trung Quốc giảm trở lại, trong khi chứng khoán Hồng Kông không mấy ảnh hưởng từ dữ liệu của Trung Quốc đại lục. Chứng khoán Hồng Kông hãm đà tăng khi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đặc khu này lo ngại cuộc đàm phán giữa chính quyền và những người biểu tình đòi dân chủ kết thúc trong bế tắc.

Ngoài chịu ảnh hưởng từ dữ liệu kém tích cực từ Trung Quốc, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản còn bị vỡ mộng với thông tin từ Quỹ hưu trí. Theo đó, thông tin từ các phương tiện truyền thông đưa ra cuối tuần qua rằng, Quỹ hưu trí của Chính phủ trị giá 1,2 tỷ USD sẽ tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu nội địa lên gấp đôi, từ mức 12% hiện nay lên 25%. Đây chính là thông tin giúp chỉ số Nikkei 225 tăng 4%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2013 trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, hôm qua, Bộ trưởng của Nhật Bản Yasuhisa Shizoaki, chịu trách nhiệm về quỹ này cho biết, ông không biết gì về thông tin mà các phương tiện thông tin đưa ra. Chính những yếu tố này khiến chỉ số Nikkei 225 mất hơn 2% trong phiên giao dịch thứ Ba.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 306,95 điểm (-2,03%), xuống 14.804,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 18,32 điểm (+0,08%), lên 23.088,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 17,07 điểm (-0,72), xuống 2.339,66 điểm.

Dù đứng ở mức thấp nhất 6 năm, nhưng các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, nước tiêu thụ nguyên liệu lớn, cũng như là một trong 2 nước tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới vẫn có tín hiệu tích cực giúp giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng.

Kết thúc phiên 21/10, giá vàng giao ngay tăng 2,5 USD (+0,7%), lên 1.246,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 7 USD (+0,56%), lên 1.251,7 USD/ounce.

Tương tự, bất chấp đồng USD tăng giá trở lại so với sổ tiền tệ chung, nhưng với tín hiệu từ Trung Quốc và thông điệp từ ECB, nên giá dầu đã hồi trở lại trong phiên giao dịch thứ Ba (21/10).

Kết thúc phiên 21/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 0,1 USD (+0,12%), lên 82,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,82 USD (+0,95%), lên 86,22 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục