Thoái vốn nhà nước để thị trường quyết định

0:00 / 0:00
0:00
Trước thực tế không thể hoàn thành kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2016-2020 cũng như kế hoạch năm 2020, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP.
Bộ Tài chính đang soạn thảo nghị định mới để trình Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy cổ phần hóa. Ảnh: Lê Toàn Bộ Tài chính đang soạn thảo nghị định mới để trình Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy cổ phần hóa. Ảnh: Lê Toàn

Không ai bị xử lý vì thoái vốn chậm

Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến đầu tháng 9/2019 mới thoái được 25.634 tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu về 172.877 tỷ đồng, trong đó, 8 tháng đầu năm nay chỉ thoái được 899 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng.

Mặc dù chỉ đạt được 25% kế hoạch thoái vốn, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ tổ chức, cá nhân nào bị xử lý theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 01/CT-TTg (ngày 5/1/2019) về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Một trong những trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương là thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cuối năm không hoàn thành mà không có lý do chính đáng thì căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức để xử lý vì pháp luật về cán bộ, công chức đã quy định cụ thể về hình thức kỷ luật, thẩm quyền xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật hành chính…

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật đều yêu cầu phải có chế tài xử lý đủ mạnh đối với tổ chức, cá nhân chậm trễ, chây ỳ trong hoạt động thoái vốn, nhưng Bộ Tài chính không thể thực hiện được, vì không có thẩm quyền.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lê Thành Long, hiện tại, quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước, thì Bộ Tài chính có trách nhiệm kiến nghị xử lý kỷ luật đối với người có trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ thoái vốn. Tuy nhiên, theo ông Long, quy định này không phù hợp với chức năng của Bộ Tài chính cũng như quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, theo ông Đặng Quyết Tiến, một trong những giải pháp là phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình chây ỳ.

Chưa sòng phẳng với nhà đầu tư

Mặc dù có thể xử lý được tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn theo Luật Cán bộ, công chức, nhưng cũng rất khó xử lý, vì thoái vốn theo quy định hiện hành (Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP) có những quy định không phù hợp.

Cụ thể, theo ông Lê Thành Long, quy định giá bán cổ phần mà nhà đầu tư phải thanh toán đối với doanh nghiệp chưa niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu là giá được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng, trường hợp trong ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (bán thỏa thuận), mà giá sàn giao dịch cổ phiếu của công ty cổ phần tính cao hơn giá thanh toán đã được xác định từ trước, thì nhà đầu tư phải thanh toán tiền mua cổ phần theo giá sàn. Ngược lại, nếu giá sàn thấp hơn giá thanh toán, thì phải trả tiền theo giá thanh toán đã được xác định từ trước. Đây là sự bất hợp lý.

Tương tự, quy định chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng không hợp lý. Cụ thể, nhà đầu tư phải trả tiền theo giá khởi điểm nếu giá khởi điểm cao hơn giá sàn và phải trả tiền theo giá sàn nếu giá sàn cao hơn giá khởi điểm.

Ông Long cho rằng, quy định như trên làm phát sinh bất cập do nhà đầu tư đã trúng đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng, nhưng lại phải thanh toán theo giá sàn không phải là giá đặt mua đã trúng của nhà đầu tư.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, khi xây dựng Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP thì quy định trên là hợp lý để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Trước khi nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá phần vốn nhà nước, nhà đầu tư đã được biết trước nội dung này vì đã được quy định rõ trong Quy chế bán đấu giá cổ phần.

“Quy định này đã giúp Nhà nước thu được khá nhiều lợi ích, trong đó tiêu biểu là trường hợp thoái vốn tại Sabeco, Vinamilk… Tuy nhiên, những trường hợp nhà đầu tư chấp nhận thanh toán với giá cao hơn thực tế, mà không phải là thanh toán theo giá trúng đấu giá, nên Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ quy định này trên nguyên tắc sòng phẳng theo cơ chế thị trường.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ thanh toán tiền mua cổ phần nhà nước theo giá đã trúng đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng, trong trường hợp mức giá này cao hơn giá sàn, giá khởi điểm mà nhà đầu tư không mua sẽ bị mất tiền đặt cọc.

Ngoài ra, còn xem xét những nội dung như quy định về xác định giá trị thương hiệu, truyền thống, vì trên thực tế rất khó xác định được các giá trị này, nên để cho thị trường quyết định”, ông Tiến cho biết.

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục