Đây là hạn chót được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định 908/QĐ-TTg, ngày 29/6/2020 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái đến hết năm 2020.
Trước đó, vào trung tuần tháng 8/2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, điểm danh từng doanh nghiệp cụ thể trong tổng số 406 doanh nghiệp phải thoái vốn từng năm. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải quyết liệt tổ chức thực hiện theo tiến độ; chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế để đẩy nhanh tiến độ, tăng tỷ lệ thoái vốn vượt quy định.
Thời hạn thực hiện Quyết định 1232/QĐ-TTg sắp hết, song từ năm 2017 đến nay, cả nước mới thoái được vốn tại 102 đơn vị. Riêng trong năm 2019 chỉ thoái được vốn tại 13 doanh nghiệp.
Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay mới thoái tiếp tại 10 doanh nghiệp cho dù Chỉ thị 01/CT-TTg (ngày 5/1/2019) đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể, quyết liệt với mục tiêu đặt ra là hoàn thành thoái vốn tại 406 doanh nghiệp (không kể doanh nghiệp ngoài Danh mục).
Chính phủ, Thủ tướng quyết tâm, nhưng kết quả thoái vốn đạt quá thấp vì có cả trăm lý do khách quan được viện dẫn cho việc chậm trễ. Chẳng hạn thị trường chứng khoán không thuận lợi; phức tạp trong xử lý vướng mắc về đất đai, tài sản công; nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thoái vốn mới được ban hành có quy định mới, chặt chẽ nên cần phải có thời gian…
Những lý do “hết sức thuyết phục” này đã dẫn tới hệ quả là không thể xác định được trách nhiệm cá nhân, tổ chức chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn. Cũng không thể áp dụng được các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng bởi những lý do trên, nên chưa có người đứng đầu bộ, ngành, địa phương nào phải rút kinh nghiệm sâu sắc khi không hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cẩu mà Thủ tướng đặt ra tại Chỉ thị 01/CT-TTg.
Không giống như bán hàng hóa thông thường, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều quy trình, công đoạn, thủ tục được quy định trong nhiều văn bản pháp quy. Trong bối cảnh Covid-19 đang quay trở lại thì việc thoái vốn nhà nước tại 120 doanh nghiệp theo Quyết định 908/QĐ-TTg trong vòng 4-5 tháng cuối năm 2020 là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lường trước những khó khăn này, nên thay vì áp đặt từ trên xuống như trước đây, kế hoạch thoái vốn lần này làm từ dưới lên.
Cụ thể, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tự tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực tế, khả năng thực hiện tại từng doanh nghiệp, sau đó tự đăng ký số lượng doanh nghiệp thoái vốn. Hiện đã có không ít địa phương đăng ký số lượng doanh nghiệp thoái vốn, theo đó, Hà Nội có 28 đơn vị, Hải Phòng (12 đơn vị), Bắc Giang (9), Bà Rịa -Vũng Tàu (8)…
Như vậy, khác với trước đây, nếu không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn, thì lãnh đạo bộ, ngành, địa phương có thể vin vào hàng loạt lý do cả chủ quan lẫn khách quan để lẩn tránh trách nhiệm, lần này, mọi khó khăn, thuận lợi, kể cả khó khăn do Covid-19 gây ra cũng được lường trước, nên khi đã đăng ký số lượng doanh nghiệp thoái vốn mà không hoàn thành nhiệm vụ, thì người có trách nhiệm chắc chắn sẽ bị xử lý. Hơn thế, do việc đăng ký số lượng doanh nghiệp thoái vốn là tự nguyện, được chủ động rà soát và điều chỉnh, chứ không phải đăng ký để lấy thành tích, “hạ quyết tâm chính trị” sau đó không làm được thì lại đổ cho khách quan, nên trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ được phân định rạch ròi hơn.
Kỳ vọng các biện pháp nêu trên sẽ chấm dứt tình trạng không chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn.