Thông tin thoái vốn được xem là “chất xúc tác” kích hoạt dòng tiền đầu cơ mạnh dạn hơn khi giải ngân vào những cổ phiếu được kỳ vọng sẽ được thoái vốn thành công trong năm nay.
Thoái vốn Nhà nước được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2020, bởi thực tế quá trình thoái vốn chậm hơn kế hoạch, lại chịu thêm diễn biến bất ngờ về dịch bệnh Covid-19.
Giai đoạn 2017 - 2020, thoái vốn Nhà nước chỉ đạt 7,8% kế hoạch, ước tính còn khoảng 138 doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020.
Cùng với đó là danh sách 85 doanh nghiệp mà SCIC dự kiến thoái trong năm, tổng cộng khoảng 220 doanh nghiệp cần thực hiện thoái vốn.
Nhiều nhà đầu tư nhìn nhận về khả năng khó thoái vốn thành công, vì điều kiện thị trường không tích cực, ở các cuộc bán vốn lớn nếu nhà đầu tư nước ngoài được tham gia thì cũng gặp khó khăn vì đại dịch Covid khiến họ khó thẩm định cơ hội đầu tư.
Dù vậy, trong góc nhìn của những người ưa lướt sóng trên thị trường, tìm kiếm câu chuyện hợp lý ở từng thời điểm để “lướt” là công việc hàng ngày.
Theo đó, nửa cuối năm, dòng tiền thị trường có cơ hội chọn hàng từ việc SCIC thoái vốn Nhà nước đã sớm được một số chat room khuyến nghị.
Từ trường hợp cổ phiếu AFX tăng trần khi có tin thoái vốn với giá khởi điểm cao hơn nhiều so với thị giá, dòng tiền thị trường cũng tích cực tìm đến những cổ phiếu kỳ vọng sẽ thoái vốn trong năm nay. Dù rằng, nền tảng cơ sở cho điều này đến thời điểm hiện tại chưa có tín hiệu chắc chắn nào.
Cổ phiếu VNP của CTCP Nhựa Việt Nam nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC (sở hữu 65,85% vốn) năm nay, đã tăng 45% trong 1 tuần qua, khối lượng giao dịch cũng tăng vọt 200.000 - 400.000 cổ phiếu, thay vì dưới 50.000 cổ phiếu/phiên như các phiên trước đó.
Giá đóng cửa phiên 14/8 của VNP là 5.800 đồng/cổ phần, giá trị sổ sách vào khoảng hơn 9.000 đồng/cổ phần.
VNP được đánh giá nằm trong lĩnh vực kinh doanh có triển vọng tăng trưởng tốt, được thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án bất động sản tăng qua các năm.
Quý II/2020, VNP báo lãi tăng vọt nhờ ghi nhận lãi từ Công ty liên doanh liên kết 18 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần giảm 28%, đạt 65 tỷ đồng, nhưng nhờ doanh thu tài chính gấp hơn 10 lần và lãi từ công ty liên doanh, liên kết gấp 3,2 lần so cùng kỳ, nên dù lãi vay gấp 28 lần, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt tăng 10% và 68%, VNP vẫn đạt gần 16 tỷ đồng, gấp 121,6 lần cùng kỳ.
Dù ghi nhận lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VNP trong 6 tháng đầu năm vẫn âm hơn 28 tỷ đồng, chủ yếu do tiền thu từ bán hàng giảm 34%, trong khi tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh tăng 28% so cùng kỳ.
Tại ngày 30/06/2020, VNP sở hữu 20,69% vốn CTCP Nhựa Vân Đồn, nắm giữ 27,51% vốn Công ty TNHH LD Việt Thái Plastchem và 15% vốn tại Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina.
Trong đó, Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina được xem là một trong những nhà cung cấp chính nguyên liệu của CTCP Nhựa Bình Minh (khoảng 50%).
TPC Vina cũng là công ty con, do Tập đoàn SCG Thái Lan sở hữu 70% vốn. Hiện SCG đang là chủ đầu tư của dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, quy mô gần 400 ha đất, gần 70 ha đất có mặt nước và khoảng 194 ha mặt nước để làm cảng.
Cũng nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC đang được dòng tiền chú ý là cổ phiếu TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam. TVN có thanh khoản tăng vọt trong vài phiên gần đây, thị giá cổ phiếu ghi nhận mức tăng 19% trong 1 tuần qua, hiện đang ở mức 6.300 đồng/cổ phiếu.
TVN là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất kinh doanh sắt thép tôn, luyện kim; logistic với hệ thống nhà xưởng, kho bãi rộng khắp.
Đặc biệt là công ty có góp vón cổ phần ở những DN đang quản lý, sở hữu nhiều lô đất, Trung tâm thương mại với vị trí đắc địa.
Diễn biến mới nhất tại TVN là bổ nhiệm ông Lê Song Lai vào thành viên HĐQT TVN. Ông Lai là Phó tổng giám đốc SCIC. Kết thúc nửa đầu năm, TVN lãi 151 tỷ đồng, vượt 44% so với kế hoạch.
Một cổ phiếu đặc biệt khác cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng gần 29% trong 1 tuần qua là VOC của Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam.
Ở VOC, câu chuyện có nét riêng là kế hoạch thoái vốn gần như đã chắc chắn trong năm 2020 và đối tác có thể là Tập đoàn KIDO. Nếu mua lại cổ phần VOC từ SCIC, KDC có thể hướng đến lộ trình sáp nhập các công ty con trong ngành dầu là VOC và Dầu thực vật Tường An (TAC).