Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vài năm gần đây phát triển nhanh, đặc biệt là năm 2021, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, từng bước giảm sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường này có dấu hiệu tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro và xuất hiện một số hiện tượng sai phạm, điển hình là trường hợp của Tân Hoàng Minh.
Vì thế, cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP với các quy định chặt chẽ dành cho cả tổ chức phát hành và đối tượng mua trái phiếu, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Đến nay, sau nhiều lần lấy ý kiến các chuyên gia tư vấn, thành viên thị trường và công chúng, bản dự thảo mới nhất được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn, đặc biệt không có các hạn chế về mục đích phát hành trái phiếu, nhưng vẫn còn một số nội dung được cho là khi áp dụng sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp.
Thời gian phân phối trái phiếu không nên rút ngắn
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên HOSE cho biết, dự thảo quy định, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên. Thực tế, việc chào bán trái phiếu thành nhiều đợt thường áp dụng đối với mục đích đầu tư dự án, vốn có đặc điểm là thời gian triển khai kéo dài, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được dòng vốn giải ngân. Do vậy, quy định trên nếu được áp dụng sẽ gây khó khăn và làm tăng chi phí vốn cho doanh nghiệp.
“Đề nghị giữ quy định về thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt như cũ, tối đa là 12 tháng”, vị lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc nói.
Bất cập việc soát xét/kiểm toán
Đối với trường hợp doanh nghiệp chào bán trái phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, dự thảo quy định, doanh nghiệp sử dụng báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính quý IV của năm liền kề trước năm phát hành/báo cáo tài chính tháng gần nhất của năm phát hành. Các báo cáo tài chính phải được soát xét hoặc kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp có chung quan điểm, việc soát xét/kiểm toán báo cáo tài chính quý IV thông thường cũng đòi hỏi thời gian và có mức độ phức tạp tương đương với soát xét/kiểm toán báo cáo tài chính năm, nên quy định như vậy sẽ không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu vào giai đoạn đầu năm. Cơ quan soạn thảo nên giữ nguyên quy định hiện hành.
Ngoài ra, Khoản 2, Điều 21, Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi như sau: Doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện, báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.
Theo ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, kiểm toán việc sử dụng tiền trái phiếu sẽ làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp và không phù hợp với thông lệ quốc tế, ngay cả đối với trái phiếu phát hành ra công chúng hiện nay cũng không có yêu cầu kiểm toán mục đích sử dụng vốn. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn chỉ diễn ra một lần trong thời gian ngắn, nên yêu cầu kiểm toán định kỳ là trùng lặp và lãng phí.
Số lượng nhà đầu tư sẽ giảm
Liên quan đến việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp (đối tượng được phép mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), theo dự thảo, giá trị danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân nắm giữ được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.
Chiếu theo điều kiện này, các công ty chứng khoán rất khó có thể xác định được nhà đầu tư chuyên nghiệp theo tiêu chí danh mục đầu tư như trước nếu chưa xây dựng hệ thống tính toán và lọc tự động. Số lượng nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí mới có thể sẽ giảm mạnh so với hiện nay.
“Theo quy định mới này, hầu như chỉ có cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp niêm yết mới đáp ứng được. Còn với những nhà đầu tư chỉ đơn thuần coi thị trường chứng khoán là cơ hội đầu tư để kiếm lời, khi thị trường xuống thì rút vốn, thì đây là yêu cầu rất khó đáp ứng”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nêu quan điểm.
Theo ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên VietinBank Capital, các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với hoạt động vay, trả của mình, nhưng đi kèm với nhiều điều kiện khiến không ít đơn vị sẽ không đáp ứng được. Các doanh nghiệp kỳ vọng, dự thảo sẽ tiếp tục được điều chỉnh để không tạo ra lực cản trong việc huy động vốn trái phiếu, đồng thời không hạn chế luồng vốn chảy từ khu vực dân cư cung cấp cho các doanh nghiệp.
Yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và minh bạch thông tin được đánh giá cao
Ông Vương Hoàng Sơn nhận xét, phần lớn các nội dung của dự thảo hướng đến mục tiêu yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu cung cấp nhiều thông tin rõ ràng hơn đến nhà đầu tư và các nội dung này được đánh giá cao.
Cụ thể, phương án phát hành trái phiếu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cần bổ sung một số nội dung mà trước đây không bắt buộc, bao gồm tài khoản nhận tiền mua trái phiếu, nêu cụ thể tài sản bảo đảm và định giá tài sản bảo đảm; báo cáo về tình hình sử dụng vốn các trái phiếu còn dư nợ; đánh giá tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ hay kế hoạch sử dụng vốn thu được. Các điều kiện này làm tăng khối lượng công việc khi phát hành trái phiếu, tăng tính minh bạch thông tin, nhưng không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Hồ sơ chào bán trái phiếu cần có hợp đồng đại diện của người sở hữu trái phiếu, báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng vốn trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm, tài liệu định giá tài sản bảo đảm.
Trong đó, việc xếp hạng tín nhiệm bắt buộc phải thực hiện đối với những tổ chức phát hành thuộc một trong 2 trường hợp sau: (1) Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; (2) Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP chưa có được sự thống nhất với Bộ Tư pháp.
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến ngày 20/7, các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 262.250 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021; kỳ hạn bình quân là 3,64 năm; lãi suất bình quân là 8,12%/năm.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam thống kê, từ đầu năm 2022 đến ngày 22/7, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.