“Lỏng lẻo” đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguy cơ rủi ro, mất an toàn trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng không còn là quan ngại, mà đã trở thành hiện hữu.

Vi phạm trong hoạt động đầu tư trái phiếu

Gần như cùng thời điểm với các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy vào đầu tháng 4/2022, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 7 ngân hàng, Bộ Tài chính thanh tra tại 1 ngân hàng.

Mặc dù không công bố kết quả thanh tra trên các phương tiện truyền thông, nhưng trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, một số tổ chức tín dụng thẩm định phương án phát hành trái phiếu sơ sài, chưa chặt chẽ, chưa chính xác.

Cụ thể, mục đích phát hành trái phiếu thông qua các hình thức ký quỹ, đặt cọc, góp vốn, mua phần vốn góp, hợp tác kinh doanh của tổ chức phát hành thiếu rõ ràng, minh bạch. Tổ chức phát hành chỉ là đơn vị trung gian huy động vốn, không trực tiếp tham gia phương án, dự án đầu tư. Bên cạnh đó, khả năng tài chính của tổ chức phát hành yếu kém, bao gồm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính chưa phát sinh hoặc phát sinh không đáng kể, lợi nhuận chưa phân phối qua các năm gần nhất âm, nguồn trả nợ trái phiếu chủ yếu từ phát triển dự án bất động sản chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý…

“Xác định nhu cầu và kỳ hạn trái phiếu thiếu cơ sở, chưa căn cứ vào thực tế phương án phát hành trái phiếu của tổ chức phát hành”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói và cho biết, tổ chức tín dụng theo dõi, giám sát và thu thập các tài liệu chứng minh mục đích sử dụng tiền phát hành trái phiếu của tổ chức phát hành còn mang tính hình thức, không thực hiện đầy đủ quyền mà pháp luật cho phép để quản lý, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu.

Qua công tác thanh tra cho thấy có dấu hiệu tổ chức phát hành sử dụng tiền phát hành trái phiếu sai mục đích đề ra trong phương án phát hành là hợp tác kinh doanh phát triển dự án bất động sản hay thực hiện chương trình, dự án xây dựng nhà máy... Có trường hợp tiền phát hành trái phiếu được sử dụng để trả nợ ngân hàng, mua cổ phần, cho vay, chuyển ngược lại tổ chức phát hành.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, có hiện tượng tiền thu từ phát hành trái phiếu được chuyển lòng vòng qua các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ với nhau, hoặc rút tiền mặt với số lượng lớn khiến cho dòng tiền hết sức phức tạp và khó xác định mục đích cuối cùng của việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu.

“Các cá nhân, pháp nhân không có liên quan với nhau nhưng phát hành trái phiếu để cùng hợp tác với một chủ đầu tư để thực hiện dự án và nguồn trả nợ cũng từ dự án, tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, tổng dư nợ cấp tín dụng của nhóm khách hàng này vượt 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thêm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, có 41 tổ chức tín dụng nắm giữ 274.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong đó hơn 75% số lượng trái phiếu doanh nghiệp do 10 ngân hàng lớn nắm giữ là Techcombank, MB, VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, ABBank, SeABank. Tại một số ngân hàng, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ có trị giá vượt 10% tổng tài sản.

Cần nâng cao năng lực của tổ chức tín dụng

Một số tổ chức tín dụng thẩm định phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp sơ sài, chưa chặt chẽ, chưa chính xác...

Nguyên nhân dẫn tới sai phạm trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng được TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, “tổ chức tín dụng chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng nóng, đầu tư, cấp tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Theo ông Nghĩa, sai phạm còn bắt nguồn từ công tác chỉ đạo, điều hành của hội đồng quản trị, ban điều hành, lãnh đạo đơn vị/bộ phận của một số tổ chức tín dụng chưa sát sao, chưa quan tâm chỉ đạo và chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai phạm trong nội bộ. Công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng chưa thực sự hiệu quả, chưa thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn thiện các quy định nội bộ.

Đồng thời, công tác thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng và kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cấp tín dụng có chất lượng chưa cao, mang tính hình thức, còn sơ sài. Bên cạnh đó, công tác định giá, quản lý tài sản bảo đảm chưa được chú trọng, chưa được kiểm soát chặt chẽ do có những hạn chế về nghiệp vụ; một số khách hàng vay vốn chưa tuân thủ quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước và quy định của tổ chức tín dụng trong quan hệ vay vốn như cung cấp thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác.

“Tôi không nói tất cả các ngân hàng thương mại sẽ gặp khó, nhưng tại một số ngân hàng, tình trạng đang không khả quan. Chưa kể, trái phiếu dồn vào một số tập đoàn sân sau của ngân hàng. Đây là nguy cơ rất lớn”, ông Nghĩa cảnh báo.

Một chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, để ngăn ngừa rủi ro, các tổ chức tín dụng cần nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định, phê duyệt tín dụng, đặc biệt đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, vị chuyên gia gợi ý, tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của tổ chức phát hành, bảo đảm việc sử dụng vốn đúng mục đích; tăng cường quản lý rủi ro đối với các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Quản trị rủi ro danh tiếng liên quan đến các dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp tổ chức phát hành mất khả năng chi trả, vi phạm quy định về phát hành, sử dụng vốn phát hành.

Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng tại các hợp đồng/thỏa thuận cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đã ký kết, thực thi trách nhiệm của đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, thực hiện hết các quyền mà pháp luật cho phép để kiểm soát, giám sát nhằm đảm bảo tiền thu từ phát hành trái phiếu được sử dụng đúng mục đích nêu tại phương án của tổ chức phát hành.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Cần có sự chỉnh đốn mạnh mẽ để tạo nên một thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, ổn định và bền vững, theo đó, vai trò của các công ty xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,197.03 19.63 1.64% 80,165 tỷ
HNX 225.65 3.02 1.34% 693 tỷ
UPCOM 88.25 0.74 0.84% 160 tỷ