Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/2 không đổi so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 62,20 – 62,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 17,28 USD xuống 1.854,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và chạm mức 1.855 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,82 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.119 đồng/USD, tăng 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.620 – 22.900 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,67 USD (+0,73%), lên 92,68 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,65 USD (+0,70%), lên 93,93 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 44.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã hạ nhiệt và lùi về dưới mốc 44.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giảm nhẹ
Sau khi tăng mạnh lên test lại 1.500 điểm bất thành, VN-Index lùi xuống và lình xình quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên và đóng cửa giảm điểm nhẹ.
Điểm sáng là nhóm bất động sản vừa và nhỏ với sắc tím ồ ạt xuất hiện tại FLC, QCG, CII, SCR, SGR, DRH, NBB, LDG, NHA, DIG, hay nhiều mã khác sát trần như UDC, DLG, ASM, HQC, ITC, TTF, HAR, LCG…
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,24 triệu đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 48,63 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 16/2: VN-Index giảm 0,65 điểm (-0,04%), xuống 1.492,1 điểm; HNX-Index tăng 5,28 điểm (+1,25%), lên 429,12 điểm; UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,52%), lên 111,8 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall khởi sắc trong phiên ngày thứ Ba (15/2), sau khi có tin Nga rút bớt lực lượng quân đội sau các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, thông báo này vẫn nhận được những phản hồi thận trọng, do Mỹ và NATO cho biết vẫn chưa thấy bằng chứng về thông báo rút quân này từ phía Nga.
Dù vậy, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận những bước tiến vững chắc trong ngày, với các cổ phiếu công nghệ là động lực tăng mạnh nhất, đưa Nasdaq tăng hơn 2,5%.
Kết thúc phiên 15/2, chỉ số Dow Jones tăng 422,67 điểm (+1,22%), lên 34.988,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 69,40 điểm (+1,58%), lên 4.471,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 348,84 điểm (+2,53%), lên 14.139,76 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, sau khi các dấu hiệu giảm leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến Phố Wall tăng mạnh đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,22% lên 27.460,40 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,67% lên 1.946,63 điểm.
Takatoshi Itoshima, chiến lược gia tại Pictet Asset Management, cho biết: “Thị trường Nhật Bản phục hồi nhờ phố Wall tăng mạnh trong phiên đêm qua. Nhưng mức tăng đã bị chặn lại bởi sự suy yếu của chỉ số tương lai Nasdaq sáng nay, do giới đầu tư nhận ra rằng, căng thẳng Nga-Ukraine sẽ vẫn là trọng tâm chính của thị trường trong thời gian tới”.
Tại Tokyo, cổ phiếu Tokyo Electron thúc đẩy lớn nhất cho chỉ số Nikkei 225, tăng 4,91% và Advantest tăng 4,78%, cùng nhà sản xuất cảm biến TDK tăng 5,1%.
Khi giá dầu giảm, cổ phiếu Inpex Corp đã mất 3,4% và trở thành mã hoạt động kém nhất trên Nikkei 225.
Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, khi dữ liệu lạm phát mới làm tăng hy vọng chính phủ có thể nới lỏng chính sách hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,57% lên 3.465,83 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,39% lên 4.617,99 điểm.
Phiên này, cổ phiếu công ty nền tảng công nghệ y tế WuXi AppTec đã kéo chỉ số bluechip và chỉ số phụ chăm sóc sức khỏe lên cao nhất, tăng 4,16% một ngày sau khi công bố lợi nhuận ròng năm 2021 tăng mạnh.
Các công ty đất hiếm đã có phiên tăng mạnh, với chỉ số phụ theo dõi ngành tăng 2,19%, do giá vật liệu này tăng lên mức cao kỷ lục do nhu cầu mạnh mẽ.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc được công bố đã tăng 9,1% so với cùng kỳ, giảm từ mức 10,3% trong tháng 12/2021. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại ở mức 0,9%. Cả hai chỉ số này đều thấp hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Điều này được giới đầu tư kỳ vọng tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nới lỏng chính sách hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.
Chứng khoán Hồng Kông tăng theo chân các thị trường lớn khác, khi lo ngại giảm bớt xung quanh biên giới Ukraine.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,49% lên 24.718,90 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,77% lên 8.678,94 điểm.
Các đại gia internet Trung Quốc dẫn đầu đà tăng, với Alibaba Group Holding tăng 3,46%, Meituan tăng hơn 2,52% và Tencent Holdings tăng 1,32%.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng có phiên tăng mạnh, khi những dấu hiệu giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã nâng đỡ thị trường.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 53,14 điểm, tương đương 1,99% lên 2.729,68 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 1/12/2021.
Nhóm cổ phiếu lớn khởi sắc với Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 1,49% và 2,76%, trong khi Naver tăng 1,88%.
Kết thúc phiên 16/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 595,21 điểm (+2,22%), lên 27.460,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,74 điểm (+0,57%), lên 3.465,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 363,19 điểm (+1,49%), lên 24.718,90 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 53,14 điểm (+1,99%), lên 2.729,68 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Sẵn sàng đẩy tín dụng ngay từ đầu năm
Năm 2022, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Ngay từ đầu năm, các nhà băng đã chạy đua chuẩn bị thanh khoản, sẵn sàng đẩy mạnh tín dụng..>> Chi tiết
- Tín hiệu tích cực ở nhiều ngành
Nhiều doanh nghiệp đang đón nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như triển vọng của ngành, kỳ vọng năm 2022 sẽ ghi nhận lợi nhuận khả quan..>> Chi tiết
- Tìm cơ hội trong môi trường lạm phát
Lạm phát, “kẻ thù” của chứng khoán dự báo sẽ tăng lên từ giữa năm 2022. Dẫu vậy, vẫn có những cơ hội cho nhà đầu tư với một số nhóm ngành..>> Chi tiết
- WB: Fed nên hành động sớm và dứt khoát để tăng lãi suất
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nên thắt chặt chính sách tiền tệ sớm và dứt khoát để loại bỏ những yếu tố có thể trở thành lạm phát "khá dai dẳng"..>> Chi tiết