Bộ Công thương: Tính toán phương án tự chủ nguồn cung xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương đã tính phương án để tự chủ hơn về nguồn cung xăng dầu, đề phòng phương án xấu nhất khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không hoạt động bình thường.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, tổng nguồn cung xăng dầu được đáp ứng đầy đủ cho tổng cầu nền kinh tế. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, tổng nguồn cung xăng dầu được đáp ứng đầy đủ cho tổng cầu nền kinh tế.

Đó là khẳng định của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khi nói về việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trước những bất ổn cung - cầu trên thị trường xăng dầu.

Để đảm bảo nguồn cung, ngày 14/2, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải báo cáo lượng xăng dầu đã ký kết trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước để cung cấp cho thị trường năm 2022, lượng xăng dầu thực tế các đơn vị trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay, cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2022 theo từng chủng loại xăng dầu, kế hoạch về nguồn nhập khẩu theo từng chủng loại xăng dầu và theo từng nguồn đến 31/12/2022.

Theo ông Đông, Bộ sẽ tính toán tổng nguồn, giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo nguồn trong nước khi rơi vào kịch bản xấu nhất, đồng thời đã tính phương án để tự chủ hơn về nguồn cung, đề phòng phương án xấu nhất khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không hoạt động bình thường.

Nhận định về thị trường xăng dầu sau kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 11/2), đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, thời điểm này, thị trường xăng dầu đã tốt hơn một tuần trước, dù chưa hoàn toàn khắc phục được thiếu hụt cục bộ tại một số thương nhân phân phối, đại lý xăng dầu.

"Quan điểm của Bộ Công thương là xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu, từ thương nhân đầu mối, phân phối đến cửa hàng bán lẻ nếu có hành vi găm hàng chờ tăng giá. Bộ trưởng cũng đã lập 3 đoàn kiểm tra ở cấp Bộ và ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với công an, Ban 389, Quản lý thị trường…", ông Đông nói.

Theo ông Đông, hiện nay, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn mới vận hành được 55% công suất, hàng vẫn chưa được bổ sung kịp thời nên một số cửa hàng, một số thương nhân và một số nơi có thể thiếu hàng cục bộ.

Tuy nhiên, việc găm hàng chờ tăng giá chỉ xảy ra ở một bộ phận doanh nghiệp, chứ không phải tất cả. Đa số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn làm tốt dự trữ, tuân thủ các điều kiện kinh doanh mặt hàng này.

Liên quan đến công tác điều hành, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu, đại diện Bộ này cho biết, về tổng thể Quỹ bình ổn xăng dầu có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp dương, nhưng trong thời gian tới, nếu diễn biến giá quá cao, quá phức tạp, giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế thế giới thì chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí...

Tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng trong thời gian qua, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, điều này thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công thương.

Phó thủ tướng nêu, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, sát sao hơn trong chỉ đạo điều hành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Phó thủ tướng giao liên Bộ Công thương - Tài chính tính toán lại các chi phí trong công thức tính giá cơ sở, để đảm bảo "tính đúng, đủ, hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người dân".

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục