“Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia và công ty để đảm bảo nguồn cung và giảm thiểu các cú sốc giá ảnh hưởng đến người dân Mỹ, châu Âu và nền kinh tế toàn cầu”, Karine Jean-Pierre, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng nói với các phóng viên hôm thứ Hai (14/2).
Bà cho biết, chính quyền đang thảo luận với các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn trên toàn cầu để hiểu năng lực và sự sẵn sàng của họ trong việc tăng sản lượng tạm thời và phân bổ khối lượng cho các khách hàng châu Âu.
Bà thừa nhận rằng, chiến tranh ở Ukraine có thể làm gián đoạn dòng khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu.
“Chúng tôi đang kêu gọi các đồng minh châu Âu phối hợp lập kế hoạch ứng phó, bao gồm cả cách triển khai kho dự trữ năng lượng hiện có. Chúng tôi đã và đang làm việc để xác định khối lượng khí đốt tự nhiên từ Bắc Phi và Trung Đông đến châu Á và Mỹ”, bà cho biết.
Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận về việc đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược, mặc dù các thông tin phương Tây cho biết, Nga đã điều khoảng 100.000 quân cũng như xe tăng, pháo và các thiết bị khác ở biên giới Ukraine.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số đối thủ sản xuất dầu mặc dù điều này đã làm tăng thêm những hạn chế đối với nguồn cung trong nước. Các biện pháp trừng phạt đối với các bộ phận trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga đã được áp dụng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Việc mua dầu từ Iran đã bị hạn chế từ những năm 1980 và Venezuela cũng phải chịu áp lực cấm vận tương tự từ Mỹ vào năm 2019.
Trong quá khứ, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm việc với các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để tăng nguồn cung nhằm đối phó với khối lượng giảm từ các quốc gia bị trừng phạt.