Bảo hiểm nhận những tín hiệu tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nằm trong số hiếm hoi lĩnh vực ít chịu tác động bởi Covid-19, thị trường bảo hiểm Việt bật thêm những màu sáng cho năm 2022, khi nền kinh tế mở cửa trở lại mạnh mẽ.
Ý thức phòng vệ ngày càng cao của người dân mở ra cơ hội mới cho bảo hiểm. Ý thức phòng vệ ngày càng cao của người dân mở ra cơ hội mới cho bảo hiểm.

Du lịch, khách sạn, hàng không… dần thức giấc

Trong khi nhiều ngành, lĩnh vực khác như du lịch, khách sạn, hàng không, nhà hàng… chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, thì ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng 2 con số trong năm 2021, cụ thể: Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 253.730 tỷ đồng, tăng 18,04% so với năm 2020; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 58.291 tỷ đồng, tăng 17,61% (theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính)...

Dịch bệnh diễn biến kéo dài một mặt khiến cuộc sống người dân đảo lộn, nhưng mặt khác cũng khiến họ dành thêm sự quan tâm đến các giải pháp dự phòng tài chính và sức khỏe, qua đó giúp ngành bảo hiểm vẫn duy trì được sự mức tăng trưởng. Ngoài ra, dù suy giảm ở một số mảng nghiệp vụ, song thị trường bảo hiểm vẫn đang bảo vệ cho hầu hết các loại hình tài sản của mọi thành phần kinh tế.

Những ngày đầu năm 2022, các hãng hàng không bắt đầu mở cửa trở lại các đường bay, ngành du lịch cũng đón khách du lịch trở lại, các khu nghỉ dưỡng cũng thêm phần nhộn nhịp. Đơn cử, từ trung tuần tháng 1/2022, Vietnam Airlines chính thức khai thác trở lại đường bay đến Úc. Đây là thị trường quốc tế thứ 8 được hãng khôi phục hoạt động chở khách thường lệ sau 7 nước và vùng lãnh thổ là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Đài Loan (Trung Quốc). Cùng thời gian này, hãng hàng không Bamboo Airway cũng phân bổ lại một số đường bay thường lệ quốc tế…

Theo đó, cơ hội đang dần mở ra với bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm xe, tài sản…, từ đó tạo kỳ vọng sáng cho lĩnh vực bảo hiểm nói chung. Năm 2022, ngành bảo hiểm tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao với tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến là 253.730 tỷ đồng (tăng 18,04% so với năm 2021); chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 58.291 tỷ đồng (tăng 17,61%)...

“Miền đất hứa” bancassurance

Tương tự, với khối bảo hiểm nhân thọ, ý thức phòng vệ ngày càng cao của người dân cũng mở ra những cơ hội mới và như thường lệ, các tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ tất bật chốt deal sau Tết Nguyên đán 2022.

Chị Lê Thu Trang, một đại lý bảo hiểm nhân thọ lâu năm, có doanh số lớn về bán bảo hiểm sản phẩm liên kết đầu tư chia sẻ, trong những ngày đầu năm mới, thị trường chứng khoán tuy có phần “hạ nhiệt”, nhưng không vì thế mà dòng sản phẩm liên kết đầu tư bớt “nóng”. Nhờ đó, các đại lý vẫn dễ thuyết phục khách hàng chọn mua dòng sản phẩm này.

Theo chị Trang, dẫu có khách hàng còn mơ hồ, chưa thực sự hiểu thấu sản phẩm hay thực sự tin tưởng nên chưa chốt hợp đồng, nhưng đây vẫn là dòng sản phẩm hợp xu thế. Trong khi đó, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tiếp tục cho thấy sức mạnh của một kênh bán hàng đúng “trend” và được các công ty bảo hiểm, ngân hàng quảng cáo rầm rộ là “miền đất hứa cho team tài chính”.

Thực tế, kênh phân phối bancassurance tiếp tục lấn át kênh đại lý. Theo số liệu thống kê Top 10 thị trường bancassurance năm 2021 từ một diễn đàn chuyên về ngân hàng, kênh này ước mang về hơn 11.125 tỷ đồng. Trong đó, VIB (thông qua sự hợp tác với Prudential) tiếp tục dẫn đầu bảng với doanh thu bancassurance năm 2021 ước đạt gần 1.700 tỷ đồng, MBBank (nhờ sự hợp tác với MB Ageas Life) bất ngờ vượt qua nhiều tên tuổi lớn trên thị trường để đứng ở vị trí thứ 2 khi ước đạt hơn 1.400 tỷ đồng từ hoạt động này, tiếp sau đó là Techcombank, SCB, ACB, Sacombank, VPBank, Vietcombank, HDBank, TPBank. Theo diễn đàn này, cuộc chạy đua trên thị trường bancassurance trong năm 2022 sẽ rất hấp dẫn khi có thêm những hợp đồng mới được ký kết.

Theo thông tin được phóng viên ghi nhận từ MB Ageas Life, trong năm 2021, doanh số bảo hiểm mới quy năm (APE) của nhà bảo hiểm này qua kênh MB Group đạt gần 1.460 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020. Năm 2022, MB Ageas Life đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động bán hàng qua ngân hàng.

“Với việc đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn bảo hiểm, kỳ vọng hoạt động bancassurance của MB Ageas Life sẽ đạt kết quả tốt hơn trong năm 2022”, đại diện MB Ageas Life nhấn mạnh.

Trên nhiều phương tiện đại chúng, các công ty bảo hiểm đầu tư mạnh cho kênh bancassurance liên tục đưa ra lời quảng cáo hấp dẫn nhằm chiêu dụ nhân sự phục vụ cho kênh này.

“Các tư vấn viên không cần cày số điện thoại cả ngày mà vẫn có nguồn khách hàng tin cậy. Tại hầu hết các đại lý bảo hiểm, việc dành hàng giờ gọi khách hàng và bị từ chối, cúp máy bất chợt là điều không tránh khỏi. Tỷ lệ dữ liệu khách hàng (data) tốt thấp, khiến tư vấn viên mất nhiều công sức tìm kiếm, thậm chí còn làm phiền gia đình bạn bè, người thân. Nhưng tại công ty chúng tôi, các tư vấn viên sẽ được cấp nguồn data đã qua kiểm duyệt kỹ càng của ngân hàng”, tỷ lệ khách hàng đồng ý mua cao. Bạn cũng không cần phải gọi điện hay làm phiền bạn bè gia đình nữa…”, một ngân hàng quảng cáo.

Chị Quỳnh Hương chia sẻ, nhóm của chị làm cho kênh đại lý cá nhân của một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn có trụ sở tại TP.HCM đang được “câu” về làm cho kênh bancassurance của một công ty bảo hiểm khác với những hứa hẹn hấp dẫn như mức thu nhập thu nhập “khủng” 8 con số, hoa hồng cao 18%, nguồn khách hàng tiềm năng dồi dào, được làm việc tại môi trường hiện đại, chuyên nghiệp, cơ hội học hỏi và thăng tiến rõ ràng…

Trong khi đó, tư vấn viên cho kênh đại lý thì không có lương cứng, nguồn thu nhập chính đến từ lương doanh số. Khi là một nhân viên bancassurance, việc được nhận một mức lương cứng trung bình từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng là một lợi thế, khiến nhiều người làm kênh đại lý muốn chuyển sang kênh ngân hàng. Chưa kể, thay vì phải vận động nguồn khách hữu hạn như gia đình, bạn bè, ngân hàng sẽ đem đến một nguồn khách hàng chất lượng “đã qua kiểm định”, điều khó có thể tiếp cận bằng nguồn quen biết thông thường.

Chị Bảo Trâm, lễ tân một khách hàng 4 sao ở TP.HCM cho biết, tuy khách sạn bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng do bị cắt giảm lương sâu nên nhóm lễ tân - buồng phòng - tạp vụ của chị dự định rẽ ngang sang làm tư vấn bảo hiểm cho kênh bancassurance. Theo nhân viên lễ tân này, với tốc độ mở rộng nhanh như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng chuyên viên tư vấn tài chính cho kênh bancassurance là khá lớn, lại đi kèm với nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn, nên chiếm ưu thế hơn so với kênh đại lý.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục