Lãi suất thấp, bảo hiểm vẫn không dám “xé rào” đầu tư

(ĐTCK) Lãi suất tiết kiệm đang giảm nhanh, nhưng danh mục đầu tư các công ty bảo hiểm không thay đổi nhiều.
Trái phiếu và tiền gửi thường chiếm khoảng 90% danh mục đầu tư tài chính của BIC. Trái phiếu và tiền gửi thường chiếm khoảng 90% danh mục đầu tư tài chính của BIC.

Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên 2020 của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tuần qua đã thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100% và kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ/công ty đầu tư.

Theo đại diện PTI, đây là một trong những bước đi quan trọng để Công ty chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2020-2025, cùng với việc xử lý triệt để các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả còn tồn đọng, PTI sẽ tập trung trên 80% tỷ trọng nguồn đầu tư cho hoạt động tiền gửi và các khoản đầu tư có lãi suất cố định, trong khi tỷ trọng đầu tư chứng khoán, bất động sản được duy trì quanh mức 5-15%.

Theo đó, tỷ suất sinh lời/vốn đầu tư dự kiến tối thiểu ở mức 6%/năm. Ðược biết, năm 2019, lãi gộp từ hoạt động đầu tư tài chính và các hoạt động khác của PTI đạt hơn 74 tỷ đồng, mới hoàn thành trên 50% kế hoạch năm, nguyên nhân chính do lỗ từ hoạt động đầu tư chứng khoán…

Tại Bảo hiểm Petrolixmex (PJICO), nhà bảo hiểm này đang thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các khoản đầu tư chứng khoán, các khoản góp vốn… để có phương án thoái vốn phù hợp. Năm 2019, doanh thu hoạt động tài chính của PJICO đạt 230 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018.

Theo đại diện PJICO, trong kế hoạch năm 2020, Công ty sẽ tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm cải thiện hoạt động đầu tư, trong đó tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn, các ngành, lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao, đồng thời thường xuyên rà soát danh mục đầu tư tài chính để có phương án thoái vốn đối với các khoản mục đầu tư kém hiệu quả, hoặc đã đạt lợi nhuận kỳ vọng…

Với Bảo hiểm BIDV (BIC), trái phiếu và tiền gửi thường chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư tài chính, khoảng 90%. Tại ÐHCÐ thường niên 2020 vừa qua, đại diện BIC cho biết, tiền gửi có kỳ hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư.

Theo vị này, tuy là hình thức đầu tư an toàn, nhưng việc lãi suất trong xu hướng giảm như hiện nay, lợi nhuận chung của BIC khó tránh bị ảnh hưởng.

Thực tế, trên cơ sở đánh giá kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm và tình hình kinh tế năm 2020, HÐQT BIC đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận được điều chỉnh giảm hơn 10% so với năm 2019 do hạn chế hoạt động đầu tư chứng khoán khi thị trường chứng khoán biến động, cũng như lãi suất tiền gửi giảm mạnh từ đầu năm đến nay (từ mức 7,5%/năm hồi đầu năm về quanh mức 6%/năm hiện tại) do tác động của bệnh dịch .

Ðược biết, năm 2019, lợi nhuận đầu tư tài chính của BIC đạt hơn 254 tỷ đồng tăng 10% so với 2018, chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tiền gửi và trái phiếu, trong khi hoạt động đầu tư cổ phiếu được hạn chế đáng kể. Năm qua, giá trị danh mục đầu tư của BIC đã tăng lên, nhưng cơ cấu danh mục vẫn tập trung chủ yếu vào tiền gửi ngân hàng và trái phiếu, với tỷ trọng hơn 92%.

Tại Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), tiền gửi ngân hàng cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư tài chính năm 2020, đạt khoảng 80%. Theo lãnh đạo BMI, lãi suất ngân hàng hiện không cao, nhưng đây là hình thức đầu tư an toàn, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

“Ðầu tư chứng khoán mang lại lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng nhiều không kém nên thường phải trích lập dự phòng lớn. Ðể giảm thiểu rủi ro, đảm bảo hiệu quả đầu tư, trong năm nay cũng như thời gian tới, BMI sẽ tập trung vào trái phiếu lợi tức cao, giảm tỷ trọng đầu tư cổ phiếu”, lãnh đạo BMI chia sẻ.

Năm 2019, lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính của BMI chưa hoàn thành kế hoạch đề ra (đạt 132 tỷ đồng, hoàn thành 82,8% kế hoạch), nguyên nhân chính là do thị trường chứng khoán biến động, dẫn đến lợi nhuận kinh doanh cổ phiếu giảm mạnh, thu lãi cổ tức và lãi tiền gửi dù có tăng nhưng không đủ bù đắp.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục