Bảo hiểm phi nhân thọ thích nghi với Covid và lãi suất thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chia sẻ của ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), ngành bảo hiểm có nhiều giải pháp vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh năm nay.
Bảo hiểm phi nhân thọ thích nghi với Covid và lãi suất thấp

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong quý tới cũng như cả năm nay?

Đại dịch Covid-19 đã tác động tới mọi hoạt động kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không là ngoại lệ, dễ thấy nhất là mức tăng trưởng của thị trường sụt giảm mạnh. Nếu như trước đây tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường là trên 10%/năm, thì trong năm 2020 giảm xuống mức 5,6%. Số liệu mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong quý I/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 14.884 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Song, khác với thời điểm đầu năm 2020, khi dịch mới xuất hiện khiến thị trường bảo hiểm bị bất ngờ và phải mất một thời gian khá dài để thích ứng, thì trong năm 2021, những khó khăn đã được các doanh nghiệp lường trước và đưa ra kế hoạch kế hoạch kinh doanh phù hợp, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đặt mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng dưới 10% trong năm nay.

Năm 2020, dù việc khai thác bảo hiểm khó khăn do dịch bệnh và giãn cách xã hội, nhưng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới - nghiệp vụ luôn có tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng trưởng 6%. Vậy theo ông, nghiệp vụ này tăng trưởng ra sao trong năm nay?

Ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện
Ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện

Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng tôi cho rằng, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2021, thậm chí có thể cao hơn so với năm 2020. Có 4 yếu tố tác động tích cực đến nghiệp vụ này.

Đầu tiên đó là người dân đã thích nghi tốt hơn trước những tác động của dịch Covid-19, không còn tâm lý hoang mang như thời điểm dịch bắt đầu bùng phát. Chính phủ cũng đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp để vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế, có thể kể đến những giải pháp như không giãn cách xã hội trên phạm vi rộng, không cấm giao thương hàng hóa…, giúp cuộc sống người dân trở lại nhanh hơn với trạng thái “bình thường mới”.

Thứ hai là việc Chính phủ ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP và Thông tư 04/2021/TT-BTC gia tăng quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm cũng như giảm thiểu các thủ tục bồi thường. Giấy chứng nhận online cũng được sử dụng nhằm đem đến sự thuận tiện trong việc lưu trữ. Những chính sách mới này giúp gỡ bỏ những nút thắt trước đây và tạo cơ hội phát triển cho các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.

Thứ ba là những quy định mới về hạn chế tiếp xúc sẽ buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bán hàng và giải quyết bồi thường để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Khi khách hàng thấy được thủ tục mua bảo hiểm và quy trình yêu cầu bồi thường được đơn giản hóa thì chắc chắn sẽ phát sinh thêm các nhu cầu mua bảo hiểm.

Cuối cùng là những tín hiệu tích cực về hiệu quả tăng trưởng của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Tính đến hết quý I/2021, nghiệp vụ này tăng trưởng khoảng 7%, trong khi năm 2020 tăng trưởng âm 10%.

Còn các nghiệp vụ bảo hiểm khác thì sao, thưa ông?

Dịch bệnh Covid-19 tác động đến tất cả doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các nghiệp vụ, nhưng không phải tất cả đều tiêu cực. Lấy ví dụ về hai nghiệp vụ chịu tác động nhiều nhất của dịch bệnh là bảo hiểm con người và bảo hiểm hàng hóa.

Dịch bệnh khiến cho nhu cầu mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng cao đột biến và trên thực tế, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng 25% trong năm 2020. Việc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường như hiện nay mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác các sản phẩm thuộc nghiệp vụ này.

Ngược lại, nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa trong năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực do việc hạn chế đi lại và giao thương. Trong năm 2020, dòng sản phẩm bảo hiểm hàng hóa vận chuyển chỉ đạt 2.260 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2019.

Tính đến hiện tại, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã tổ chức xong đại hội cổ đông, tức là đã “chốt” kế hoạch kinh doanh năm 2021 và như ông đã chia sẻ ở trên, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng dưới 10% trong năm nay, liệu đây đã phải là con số cuối cùng?

Nếu như đầu năm 2020, sự xuất hiện của dịch bệnh là bất ngờ và phải cần thời gian để thích ứng, thì trong năm 2021, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm đã có sự chuẩn bị và đưa ra mục tiêu kinh doanh phù hợp với thực tiễn, cho nên khả năng điều chỉnh kế hoạch vào cuối năm không cao.

Tại PTI, chúng tôi xác định dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường, do đó, trong năm 2021, PTI sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục và quy trình làm việc nhằm tạo thuận lợi hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đa dạng các hình thức, các kênh bán hàng online để khách hàng có thể mua bảo hiểm ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần gặp trực tiếp tư vấn viên. Trong quy trình giám định và bồi thường, công nghệ cũng sẽ được ứng dụng để khách hàng có thể gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường và chủ động quay/chụp hình giám định (đối với những vụ nhỏ) mà không cần phải đến trụ sở PTI.

Mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Ngoài kênh tiền gửi, nhà bảo hiểm còn nhận thấy điểm sáng đầu tư nào trong năm 2021?

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm duy trì tỷ trọng đầu tư vào lãi suất tiền gửi từ 70-80% nguồn vốn. Do đó, việc giảm mặt bằng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã lường trước được điều này và theo tôi, thị trường vẫn có nhiều cơ hội cho những hoạt động đầu tư khác trong năm 2021.

Nền kinh tế của Việt Nam và thế giới đang dần phục hồi nhờ các giải pháp chống dịch hiệu quả của các chính phủ. Theo đó, các hoạt động đầu tư cũng có nhiều cơ hội phát triển. Chẳng hạn, trái phiếu doanh nghiệp hiện có mức lãi suất khoảng 9-10%/năm, cao hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm khoảng 5-6%/năm. Kênh đầu tư chứng khoán cũng có nhiều cơ hội khi giới chuyên gia dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt 1.500 điểm vào cuối năm nay. Tương tự, thị trường bất động sản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm…

Tóm lại, tùy vào định hướng và khẩu vị đầu tư khác nhau mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra chiến lược đầu tư tài chính phù hợp. Còn tại PTI, chúng tôi tiếp tục tập trung vào các kênh đầu tư có lãi suất cố định (trái phiếu ngân hàng, tiền gửi ngân hàng…). Mặc dù điều này có thể khiến lợi nhuận từ hoạt động đầu tư năm 2021 của PTI sẽ không cao như những năm trước, nhưng bù lại, nguồn vốn đầu tư của PTI luôn được đảm bảo an toàn, biên khả năng thanh toán cao và đảm bảo thanh toán đủ, kịp thời quyền lợi của các khách hàng khi phát sinh bồi thường bảo biểm.

Ngọc Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục