DN bảo hiểm ứng phó khi lãi suất giảm

(ĐTCK) Lãi suất tiết kiệm giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các DN bảo hiểm, bởi lãi tiền gửi vẫn là trụ cột cho lợi nhuận của ngành. Nhiều DN đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào đầu tư tài chính, một số xoay sở tốt bảo toàn lợi nhuận đầu tư.
DN bảo hiểm ứng phó khi lãi suất giảm

DN bảo hiểm ứng phó khi lãi suất giảm ảnh 1Lợi nhuận từ đầu tư tài chính 2012 của ACE Life tăng 18% so với cùng kỳ

 

Giảm kỳ vọng đầu tư tài chính

Một loạt tên tuổi lớn trong ngành như Bảo Minh, Bảo hiểm Bưu điện, PVI khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2013 đã dự kiến lợi nhuận tài chính giảm mạnh. Cụ thể, Bảo Minh dự kiến doanh thu hoạt động tài chính giảm 29%, xuống 174 tỷ đồng; PVI đặt kế hoạch doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất năm 2013 giảm gần 30%, xuống còn 563 tỷ đồng; Bảo hiểm Bưu điện đặt kế hoạch lợi nhuận hoạt động đầu tư và hoạt động khác năm 2013 giảm 33%, xuống 70 tỷ đồng.

Khả quan hơn, một số công ty như Vinare, Pjico dự kiến lợi nhuận hoạt động tài chính và hoạt động khác không tăng trong năm nay.  Hay Vinare lên kế hoạch lợi nhuận hoạt động đầu tư và hoạt động khác gần như giữ nguyên ở mức 263 tỷ đồng.

Việc giảm kỳ vọng vào lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của các DN bảo hiểm xuất phát từ việc trần lãi suất huy động đã giảm mạnh trong năm 2012 (mặt bằng lãi suất huy động đã giảm từ 3 - 6%/năm) và đang có xu hướng giảm tiếp trong năm nay sau những nỗ lực kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất cho vay của Chính phủ. Xu hướng này tất yếu tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của khối DN bảo hiểm, khi mà thu nhập từ lãi tiền gửi thường chiếm từ 60 - 80% doanh thu hoạt động tài chính, lợi nhuận tài chính chiếm từ 70 - 90% lợi nhuận của DN bảo hiểm. Trong nhiều trường hợp, lợi nhuận từ hoạt động này còn bù lỗ lớn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ngay tại BIC, mặc dù Ban giám đốc khẳng định trước các ĐHCĐ thường niên diễn ra hồi đầu năm rằng việc giảm lãi suất không ảnh hưởng quá lớn đến hiệu quả hoạt động đầu tư của Công ty, vì trong cơ cấu tiền gửi của BIC, chiếm phần lớn là các khoản tiền gửi kỳ hạn dài vẫn được hưởng lãi suất cao, nhưng thực tế cho thấy, năm 2012, lợi nhuận tài chính của BIC đã giảm 22% do lãi suất tiền gửi giảm.

Lợi nhuận từ tiền gửi tại nhiều DN bảo hiểm dự kiến giảm, tất yếu kéo theo là không ít DN phải giảm lợi nhuận kỳ vọng cho năm 2013. Bảo Minh đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế thấp hơn 3% so với năm 2012; Bảo hiểm Bưu điện dự kiến lợi nhuận giảm 15%. PVI và Bảo Việt do tập trung vào chiến lược tăng vốn cho các công ty thành viên, nên cũng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm đáng kể.

Một vài DN đã công bố về phương án bảo toàn lợi nhuận hoạt động tài chính. Ông Dương Đức Chuyển, Giám đốc Khối Xây dựng chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt trong buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh của Tập đoàn hồi tháng 4/2013 cho biết, Tập đoàn sẽ chuyển một phần tiền gửi vào cách kênh đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn, trong đó, có các cổ phiếu.

Tại ĐHCĐ 2013 của Pjico, Tổng giám đốc Đào Nam Hải cho biết, Công ty sẽ “lựa chọn linh hoạt kỳ hạn đầu tư” theo diễn biến thị trường và chính sách tiền tệ của Nhà nước, cộng với tập trung đầu tư trái phiếu Chính phủ trong những tháng đầu năm và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tốt có bảo lãnh thanh toán của các ngân hàng lớn. Đặc biệt, ông Hải cho biết, Công ty sẽ tăng tỷ trọng trái phiếu trong danh mục đầu tư lên 20 - 30% trong năm 2013 và những năm tiếp theo, từ tỷ trọng hiện tại là 10%.

 

Tăng kỳ vọng vào lợi nhuận nghiệp vụ

Nếu như mảng hoạt động đầu tư tài chính không còn được nhiều DN trong ngành kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao như năm trước, thì mảng hoạt động cốt lõi lại là một điểm sáng. Phần lớn DN trong ngành đặt kế hoạch giữ nguyên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, một số DN đặt kế hoạch tăng lợi nhuận đáng kể.

Chẳng hạn, Vinare lên kế hoạch lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2013 tăng gấp 2,5 lần so với năm trước, lên 97 tỷ đồng. PJICo dự kiến tăng lợi nhuận bảo hiểm gốc gấp đôi, lên 10 tỷ đồng từ mức thực hiện năm 2012 là 5,5 tỷ đồng. PVI đặt kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm tăng gần 12%, lên 6.270 tỷ đồng, trong khi Bảo Minh định hướng sẽ “tập trung mọi nguồn lực vào việc phát triển mảng kinh doanh cốt lõi là bảo hiểm phi nhân thọ”.

Nhiều DN trong ngành tuyên bố sẽ không chạy theo tăng trưởng doanh thu, mà hướng đến sự phát triển bền vững. Tại ĐHCĐ 2013 của Pjico, Tổng giám đốc Đào Nam Hải khẳng định, Công ty không chú trọng tăng trưởng mạnh doanh thu, mà sẽ lấy lợi nhuận làm thước đo chính đánh giá năng lực quản lý của giám đốc các chi nhánh, thậm chí sẽ xây dựng chi tiết kế hoạch kinh doanh lỗ lãi đến từng nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm.

“Các DN bảo hiểm có lợi thế và tiềm năng rất lớn, nhưng vì sự cạnh tranh khốc liệt mà họ đã tự giảm lợi thế đó đi rất nhiều. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, để thua lỗ triền miên ở nghiệp vụ bảo hiểm giờ đây sẽ phải được cải thiện”, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Vinare chia sẻ với ĐTCK. Vinare cũng là một trường hợp hiếm trong ngành mạnh dạn đặt kế hoạch doanh thu phí nhận và phí giữ lại đều giảm mạnh, nhưng lợi nhuận vẫn tăng, dựa trên chủ trương tăng chất lượng các hợp đồng bảo hiểm.

 

Những kinh nghiệm xoay xở

Việc lãi suất giảm mạnh không phải đến năm nay mới diễn ra, mà xu hướng này đã diễn ra từ đầu năm 2012. Những ảnh hưởng của việc lãi suất giảm đến kết quả kinh doanh năm qua đã được Vinare đánh giá trong báo cáo thường niên 2012: "Năm 2012 là năm có nhiều thay đổi nhất từ trước đến nay về mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại”  và ước tính tỷ suất sinh lời từ hoạt động đầu tư tiền gửi của Công ty đã giảm xuống 11,2%, từ mức 12,6% của năm 2011. Thế nhưng, trên thực tế, đa số DN bảo hiểm lớn vẫn báo cáo lợi nhuận từ hoạt động đầu tư hoặc tỷ trọng của hoạt động đầu tư tăng trong năm 2012.

 

Tỷ trọng Lợi nhuận hoạt động tài chính/Lợi nhuận của các DNBH lớn

Trong khối bảo hiểm nhân thọ, Prudential Vietnam tỏ ra khá tự hào với kết quả tổng thu nhập đầu tư đã tăng 20% so với năm 2011, đạt 3.433 tỷ đồng, cao hơn cả tốc độ tăng doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Kết quả này cộng với việc lỗ thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm một nửa đã giúp lợi nhuận (trước khi chi trả bảo tức đặc biệt cho khách hàng 1.349 tỷ đồng) của Công ty trong năm 2012 tăng 22,7%, đạt 1.218 tỷ đồng.

Tương tự, tại ACE Life, dù lợi nhuận giảm so với năm 2011, nhưng lợi nhuận từ hoạt động tài chính đã tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 188 tỷ đồng. Tập đoàn Bảo Việt và Vinare cũng báo cáo con số này tăng đáng kể, bất chấp lãi tiền gửi giảm mạnh.

Tại Bảo Việt, lãi hoạt động đầu tư năm 2012 tăng mạnh chủ yếu nhờ khoản hoàn nhập dự phòng 700 tỷ đồng, cộng với chi phí lãi vay giảm và lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán giảm giúp Tập đoàn giảm được gần 300 tỷ đồng chi phí hoạt động tài chính. Trong khi đó, tổng doanh thu hoạt động tài chính được bảo toàn khá tốt, khi mà lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu đã tăng thêm 274 tỷ đồng, bù cho việc lãi tiền gửi đã giảm 214 tỷ đồng.

Vinare lại bảo toàn được doanh thu hoạt động đầu tư nhờ lãi kinh doanh chứng khoán tăng lên 7,2 tỷ đồng, từ mức 1,3 tỷ đồng của năm 2011. Theo báo cáo của Công ty, nếu năm vừa qua, Vinare không phải trích lập dự phòng gần 90 tỷ đồng giảm giá đầu tư góp vốn vào TienPhong Bank thì con số lợi nhuận của Công ty còn tốt hơn rất nhiều.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Vinare cho biết, từ những năm sau, Công ty sẽ được hưởng lợi từ hoàn nhập khoản dự phòng này và ghi nhận  khoản cổ tức từ TienPhong Bank vì ngân hàng này đã trải qua tái cơ cấu và đang trên đà hồi phục.

Tại Prudential Việt Nam, nhìn vào bảng báo cáo tài chính tóm tắt năm 2012, sẽ thấy cơ cấu tài sản của Prudential đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ: tỷ trọng của khoản mục tiền và tương đương tiền đã giảm từ 15% xuống còn 9% tổng tài sản, các khoản phải thu tăng từ 19% lên 27%, trong khi đó đầu tư tài chính dài hạn tăng từ 68% lên 73%. Đối với ACE Life, Công ty đã tăng mạnh các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên 3% từ mức 0,3% trong năm 2011, cộng với chi phí hoạt động tài chính giảm giúp Công ty tăng khá lợi nhuận tài chính.     

Quang Minh
Quang Minh

Tin cùng chuyên mục