Thị trường chứng khoán: Cảm xúc mốc 1.000 điểm và ước vọng thị trường mới nổi

Năm 2020 đánh dấu 20 năm ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến nay, nền tảng cơ bản của thị trường đã sẵn sàng và nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sớm hội đủ “sức khỏe” để gia nhập nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi trong thời gian tới.
Trong năm 2019, VN-Index đã hai lần vượt ngưỡng 1.000 điểm. Ảnh: Dũng Minh

Cảm xúc 1.000 điểm

Trong năm 2019, nhà đầu tư được trải nghiệm nhiều xúc cảm khi Chỉ số VN-Index đã vài lần chinh phục mốc 1.000 điểm. Cuối năm, dù chỉ số này có đi xuống, nhưng vẫn đủ khép lại một năm khá ấn tượng.

Hai lần Chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm diễn ra vào 2 thời điểm khác nhau của năm. Lần đầu là vào tháng 3, khi các công ty niêm yết nhộn nhịp bước vào mùa họp Đại hội đồng cổ đông. Đây cũng là những thông điệp cho thấy, nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào một mùa kinh doanh thành công trong năm 2019.

Lần thứ hai, Chỉ số VN-Index vượt mốc 1.000 điểm diễn ra vào tháng 11, khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi.

Luật Chứng khoán mới với nhiều quy định mới bám sát thị trường và phù hợp thực tế có thể coi là một nền tảng tốt tạo động lực cho thị trường phát triển năng động hơn khi chính thức được thực thi từ ngày 1/1/2021.

Một trong những điểm mới đáng lưu tâm là luật mới đã nâng điều kiện trở thành công ty đại chúng từ mức vốn điều lệ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông. Luật cũng đồng thời làm mới quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư, lần đầu tiên, Luật Chứng khoán định danh nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó, các cá nhân có giá trị danh mục từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ được xếp vào khối nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ông Vũ Quang Việt, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, Luật Chứng khoán mới đã tập trung được tất cả những điểm mới nhắm đến vận hành thị trường an toàn, công khai, đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.”, ông Việt nói.

Ước vọng thị trường mới nổi

Câu chuyện chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường đã được cơ quan quản lý ấp ủ từ nhiều năm qua và năm 2020 là thời điểm được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng nhất vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được các tổ chức quốc tế nâng hạng từ nhóm thị trường cận biên hiện nay sang nhóm các thị trường mới nổi.

Mục tiêu quan trọng đối với chúng ta là xây dựng thị trường chứng khoán ổn định, bền vững, chứ không phải lên hạng chỉ để lấy tiếng mà không đủ thực lực.

- Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước   

Trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Số lượng nhà đầu tư  đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Những mục tiêu đặt ra rất rõ ràng cho thị trường đã phần nào tạo lòng tin tốt hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trên sàn chứng khoán TP.HCM, giá trị mua ròng tính đến ngày 30/12/2019 lên tới 4.317 tỷ đồng. Ngoài ra, các hoạt động chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng có một năm diễn ra sôi động, tạo dấu ấn lớn trong động thái của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt.

Một số thương vụ đình đám có thể kể như SK Group chi 1 tỷ USD để sở hữu 6,15% cổ phần của Vingroup, Quỹ đầu tư quốc gia GIC (Singapore) mua gần 14 triệu cổ phần Masan, KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần Ngân hàng BIDV trị giá khoảng 882 triệu USD, Vietcombank hoàn tất việc bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho Tập đoàn FWD...

Niềm tin đang được tích tụ, uy tín của thị trường cũng dần nâng cao. Khi nói về câu chuyện nâng hạng thị trường, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, so với nhiều nước, thì thị trường Việt Nam tương đối mở, một phần do sự nhập cuộc các công ty chứng khoán lớn ở nước ngoài. Các công ty này là những tổ chức tài chính có ưu thế vốn mạnh và có bề dày kinh nghiệp tài chính quốc tế.

Theo ông Sơn, một trong những yếu tố cho thấy chất lượng thị trường đang được nâng cao là sự trưởng thành rất rõ nét trong chất lượng dịch vụ của các tổ chức trung gian. Hiện nay, các công ty chứng khoán đều có hệ thống giao dịch khá hiện đại, rất nhiều khâu đã được tự động hóa và họ sẽ tiếp tục đầu tư đưa công nghệ vào hỗ trợ giao dịch thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, Việt Nam dùng các tiêu chí nâng hạng như một mục tiêu để hoàn thiện thị trường, hướng tới một thị trường ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, chứ không phải nâng hạng mà một số yếu tố vẫn chưa bền vững.

Ông Sơn nêu ra bài học là một số thị trường chứng khoán được nâng hạng, nhưng không trụ được, nên chỉ sau thời gian ngắn đã bị xuống hạng, trở về thị trường cận biên như cũ.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục