Tháng 9, trải nghiệm tiếp mốc 1.000 điểm

(ĐTCK) Trong tháng 8, thanh khoản thị trường đạt trung bình dưới 3.000 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với tháng 7, cộng thêm áp lực bán ròng của khối ngoại khiến chỉ số chung VN-Index chốt ở 983 điểm, chưa thể chạm ngưỡng 1.000 điểm. Mốc 1.000 điểm này tiếp tục chờ “trải nghiệm” trong tháng 9.
Mức độ sôi động của dòng tiền kém đi đáng kể trong 3 phiên giao dịch cuối tháng 8/2019. Thanh khoản giảm gần 30% cho thấy, việc ra quyết định của người mua lẫn người bán ngày càng khó khăn. Mức độ sôi động của dòng tiền kém đi đáng kể trong 3 phiên giao dịch cuối tháng 8/2019. Thanh khoản giảm gần 30% cho thấy, việc ra quyết định của người mua lẫn người bán ngày càng khó khăn.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục ảnh hưởng đến hướng chảy của dòng tiền quốc tế, trong đó có ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Theo CTCK Bản Việt (VCSC), sự biến động với biên độ khá lớn và theo xu hướng giảm của VN-Index chịu ảnh hưởng nhiều từ diễn biến chung của chứng khoán thế giới.

Tháng 9, kịch bản về diễn biến chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJI) đang là một ẩn số và TTCK Việt Nam cũng thật khó dự báo khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục tác động rất lớn đến TTCK toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam.

“Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, lực cầu của nhà đầu tư đối với TTCK trong nước sẽ tiếp tục dè dặt, nền tảng thanh khoản của thị trường sẽ duy trì ở mức thấp. Ðiều này cũng có thuận lợi là khả năng chống "sốc" của VN-Index sẽ cao hơn nếu TTCK thế giới có những đợt giảm mạnh và bất ngờ”, ông Vũ Minh Ðức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC) dự báo.

Theo đó, trước mắt, nếu VN-Index vượt qua mốc 985 điểm những phiên đầu tháng 9 thì có khả năng chỉ số này sẽ kiểm định mốc 1.000 điểm một lần nữa. 

Giới đầu tư cũng chung quan ngại biến động địa chính trị, đặc biệt là thương chiến Mỹ - Trung chưa biết sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mức nào. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục diễn biến leo thang trong những tháng tới, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh so với đồng USD và chỉ số DJI giảm dưới mốc 25.000 điểm thì dòng tiền đầu tư qua các kênh như ETF, P-Notes... có thể sẽ có xu hướng rút ra khỏi TTCK Trung Quốc nói riêng và các thị trường có mức độ rủi ro cao. 

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung đem lại nhiều tác động đến nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam. Ở mặt tích cực, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước ngoài có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Ðộng thái này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có cả việc gia tăng dịch chuyển nguồn vốn FDI về Việt Nam.

Trên TTCK, dòng tiền lớn vẫn cố gắng tạo ra sự tích cực ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn để giúp tâm lý thị trường bình ổn. Tuy nhiên, mức độ sôi động của dòng tiền kém đi đáng kể trong 3 phiên giao dịch cuối tháng 8/2019.

Thanh khoản cũng giảm gần 30% cho thấy, việc ra quyết định của người mua lẫn người bán ngày càng khó khăn. Thị trường đang cần thêm những câu chuyện mới để tạo ra kỳ vọng dẫn dắt dòng tiền trở lại, chẳng hạn thoái vốn các doanh nghiệp lớn nhà nước, dòng vốn ngoại đảo chiều hay nới room cho nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng...

“Khi chưa có thông tin gì đặc biệt, tâm lý thị trường trong ngắn hạn sẽ được dẫn dắt bởi điểm số hay nói cách khác là cách các tổ chức đẩy tiền vào cổ phiếu lớn. Nếu vẫn còn những cổ phiếu đủ lớn duy trì được đà tăng giá thì thị trường vẫn còn cơ hội”, anh Trần Minh, nhà đầu tư tại sàn VNDIRECT chia sẻ.

Với nhận định thận trọng, anh Nguyễn Hoàng Việt, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, diễn biến TTCK tháng 9 sẽ khá giống với những gì đã diễn ra, chỉ số VN-Index sẽ “chập chờn” quanh ngưỡng 1.000 điểm.

Tuy nhiên, kịch bản để chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng điểm này là rất thấp khi mà dòng tiền chưa có dấu hiệu dồi dào trở lại, xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa thấy ngày hạ nhiệt và các tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu tràn ngập trên các mặt báo.

Nói về chiến lược đầu tư, anh Việt cho rằng, khá nhiều cổ phiếu đã trở về vùng định giá phù hợp với đầu tư dài hạn như ngân hàng, bất động sản… Nếu tạm quên đi nỗi lo về rủi ro đầu tư trong ngắn hạn và nhìn vào con đường dài hạn thì TTCK Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng tích cực.

Chẳng hạn, Việt Nam có cơ hội được xem xét nâng hạng lên mức thị trường mới nổi vào đầu năm 2020 và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết quý cuối năm dự báo khả quan. Ðây sẽ là những yếu tố hậu thuẫn cho dòng tiền đầu tư chọn TTCK Việt Nam, dù ngoài kia, thị trường toàn cầu nổi sóng.

Một trong các nguyên nhân khiến thị trường khó có thể tăng điểm mạnh mẽ là do dòng tiền yếu

Tháng 9, trải nghiệm tiếp mốc 1.000 điểm ảnh 1

Ông Ðào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, CTCK Vietinbank.

Với nhận định thận trọng, tôi cho rằng diễn biến TTCK trong tháng 9 sẽ tương tự thời gian vừa qua, tức là VN-Index sẽ nỗ lực để quay trở lại ngưỡng 1.000 điểm với trông chờ chính là lực kéo từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, kịch bản để chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng điểm này là rất thấp khi mà dòng tiền chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Ðối với TTCK, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tiềm ẩn sau đó là những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn luôn là một chủ đề nóng hổi trong đánh giá của giới đầu tư quốc tế. Tại Việt Nam, một trong các nguyên nhân khiến thị trường khó có thể tăng điểm mạnh mẽ là do dòng tiền yếu.

Về hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên sàn, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm nhóm các cổ phiếu dệt may, thủy sản, cảng biển và bất động sản khu công nghiệp sẽ hấp dẫn. Nhóm này kỳ vọng hưởng lợi từ sự dịch chuyển làn sóng đầu tư và từ các hiệp định tự do thương mại như CPTPP và EVFTA.

Bên cạnh đó, nhóm các cổ phiếu bán lẻ và công nghệ thông tin cũng là đối tượng nhà đầu tư nên chú ý, bởi kết quả tăng giá tốt trong 6 tháng đầu năm. Cuối cùng, chúng tôi giữ quan điểm thận trọng đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán và bảo hiểm, do tình hình diễn biến thị trường ảm đạm hiện nay.

Từ nay đến cuối năm, cổ phiếu ngân hàng có thể có thêm một sóng nhỏ nữa

Tháng 9, trải nghiệm tiếp mốc 1.000 điểm ảnh 2

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới CTCK Bản Việt (VCSC).

Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index vẫn duy trì ở mức “Tiêu cực” với kháng cự MA10, MA20 nằm tại vùng 979-984 điểm, đồng pha với tín hiệu của HNX-Index. Tín hiệu của VN30 duy trì ở mức “Trung tính”, giống như tín hiệu của VNSmallcap, trong khi đó, tín hiệu ngắn hạn của VNMidcap tạm thời cải thiện lên mức “Tích cực”.

Có vẻ như diễn biến bớt tiêu cực hơn của các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giúp lực mua chiếm lại một phần ưu thế trong tương quan với lực bán sau một nhịp điều chỉnh giảm của VN-Index từ mốc 1.000 điểm xuống 975 điểm. Mặc dù vậy, bên mua vẫn tỏ ra khá dè dặt thể hiện ở nền tảng thanh khoản thấp của thị trường.

Dự báo trong tháng 9, chỉ số VN-Index sẽ tăng điểm trở lại để kiểm định khu vực ngắn hạn tại 979-984 điểm. Nếu vượt qua 984 điểm, chỉ số sàn HOSE sẽ có cơ hội kiểm định lại mốc 1.000 điểm một lần nữa.

Do các doanh nghiệp niêm yết chưa thể có kết quả kinh doanh quý III, nên thị trường vẫn có xu hướng đi ngang, chỉ có một vài cổ phiếu ngân hàng có động thái mua/bán cổ phiếu quỹ sẽ có tác động tích cực nhất định từ nay đến cuối năm, theo đánh giá của chúng tôi, xuất phát từ hiệu ứng của các vùng thông tin liên quan như thoái vốn, phát hành riêng lẻ, bán cho đối tác chiến lược của các ngân hàng…

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục