Đặt “cửa sáng” cho TTCK năm 2020

(ĐTCK) Nhận định về TTCK năm 2020 tại cuộc tọa đàm do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 26/12/2019, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, lãnh đạo ngành chứng khoán và nhiều thành viên thị trường chia sẻ cái nhìn lạc quan, khi đây là năm làm mới nền tảng pháp lý, nền tảng công nghệ và đón nhiều giải pháp phát triển thị trường.

Thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới

Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Gói thầu 04 về hệ thống công nghệ thông tin đang được HOSE, HNX và VSD phối hợp cùng với nhà thầu tích cực triển khai trên nhiều mặt.

Gói thầu trang bị hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cùng với một nền tảng cơ sở hạ tầng hệ thống hiện đại, đồng bộ và tích hợp cho toàn bộ thị trường chứng khoán.

Hệ thống mới phục vụ các hoạt động nghiệp vụ giao dịch, giám sát, thông tin thị trường tại HOSE và HNX, cũng như nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán (cho cả thị trường cơ sở và phái sinh) của VSD.

Hệ thống này đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các sản phẩm, dịch vụ mới sắp đi vào hoạt động của thị trường như nghiệp vụ giao dịch chứng khoán trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về, dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp tại VSD, mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.

Ðối với giao dịch trong ngày (T+0), thực tế đã được đưa ra bàn thảo từ 3-4 năm trước, về mặt pháp lý đã có quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC.

Về mặt hệ thống, hệ thống mới do VSD và các Sở giao dịch đang xây dựng có tính năng cho phép thực hiện giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về.

Tuy nhiên, đây là giao dịch mới của thị trường, do vậy để triển khai thành công thì bên cạnh sự sẵn sàng về chức năng hệ thống còn cần đến sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách, sự thích ứng về mặt hệ thống cũng như triển khai nghiệp vụ của các thành viên thị trường, đồng thời cần có cơ chế khắc phục các rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

VSD đang nghiên cứu xây dựng các quy chế, quy trình hướng dẫn; lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thành viên để có thể triển khai nghiệp vụ này sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng.

Ðối với quỹ hưu trí tự nguyện, VSD đã ký hợp đồng nguyên tắc với VFM và một số thành viên, dự kiến trong năm 2020 sẽ có một số quỹ hưu trí đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trên nền tảng kinh tế vĩ mô khả quan, TTCK sẽ chuyển động tích cực

Ông Trần văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, tình hình địa chính trị trên thế giới có những diễn biến phức tạp, cùng với xu hướng rút vốn khỏi nhiều thị trường, kể cả các nước lân cận Việt Nam, các quỹ đầu tư trên thế giới, nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc thận trọng khi đưa ra các quyết định giải ngân mới. Ðiều này cũng diễn ra với ngay cả nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục có thêm những diễn biến tích cực trong năm 2019, nên áp lực bán ra của khối nhà đầu tư nước ngoài không nhiều. Nhờ đó, kết thúc năm 2019, dòng vốn nước ngoài vào ròng trên thị trường cổ phiếu Việt Nam là hơn 2,7 tỷ USD.

Danh mục chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ vào cuối năm 2019 là 36,4 tỷ USD, tăng so với mức hơn 34 tỷ USD của năm 2018.

Cuối năm 2019, thị trường chứng khoán vẫn có những bước phát triển khá tốt, khi VN-Index tăng 7,9%, quy mô thị trường tăng hơn 10% so với năm 2018.

Tuy thanh khoản trên thị trường cổ phiếu giảm 29%, nhưng lại tăng trên thị trường trái phiếu. Sự suy giảm thanh khoản trên thị trường cổ phiếu là dự liệu được, chứ không bất ngờ.

Với những nền tảng tích cực trên, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, nhiều giải pháp phát triển thị trường chứng khoán đang được thúc đẩy, chúng tôi có cái nhìn tích cực về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020.

Việt Nam nằm trong Top 8 đích đến của giới đầu tư thế giới

Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 ước vượt 7%, lạm phát dưới mức 4%.

Trong năm, mặt bằng lãi suất trên thế giới có biến động lớn, chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương tác động không nhỏ đến thương mại và đầu tư toàn cầu.

Dù vậy, NHNN đã điều hành và giữ được mặt bằng lãi suất ổn định, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển thị trường trái phiếu chính phủ. Tỷ giá duy trì sự ổn định trong bối cảnh tỷ giá trên thị trường quốc tế có nhiều biến động.

Năm 2019, theo xếp hạng của nhiều hãng thông tấn lớn, Việt Nam nằm trong Top 8 đích đến của giới đầu tư thế giới nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, trong bối cảnh các thị trường mới nổi có sự xáo trộn rất lớn.

NHNN kiên định điều hành kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, góp phần tích cực trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng.

Một trong những điểm mới trên thế giới là cơ chế sanbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đối với hệ thống tài chính ngân hàng đang phát triển rất nhanh.

Trong khi đó, hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam rất rộng, ngày càng nhiều công ty tham gia, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang hoàn hiện cơ chế sandbox, đây sẽ là cú huých lớn trên thị trường tài chính, là nền tảng cơ bản thực hiện đề án tài chính toàn diện.

Bức tranh thoái vốn nhà nước kỳ vọng khởi sắc năm 2020

Ông Ðinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Trong năm 2019, SCIC tiếp nhận 13 doanh nghiệp, với số vốn tiếp nhận là 7.160 tỷ đồng. Lũy kế số lượng doanh nghiệp đến thời điểm này SCIC nhận bàn giao từ các bộ, ngành, địa phương là 148 doanh nghiệp, sau khi đã hoàn tất thoái vốn hàng nghìn doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, năm 2019, kết quả bán vốn rất chậm, chỉ đạt 17% kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu là do bất cập của quy định về xác định giá trị văn hóa, lịch sử, cũng như giá trị lợi thế đất đai khi xác định giá trị khoản vốn cần thoái.

Có những doanh nghiệp SCIC mới nhận về 2 - 3 năm, thì lấy gì để hình thành giá trị văn hóa, lịch sử, thế nhưng khi xác định giá trị của khoản vốn cần thoái vẫn phải tính cả giá trị này.

Hệ quả là không ít trường hợp làm cho giá trị của khoản vốn nhà nước cần thoái cao hơn kỳ vọng của nhà đầu tư, nên thoái vốn không thành công.

Theo những nội dung mới được Bộ Tài chính cập nhật tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2017/NÐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định số 32/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, chúng tôi kỳ vọng sẽ bỏ quy định về tính giá trị văn hóa, lịch sử. Cùng với đó, việc khắc phục các bất cập của quy định về xác định giá trị đất đai sẽ giúp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2020.

Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tốt hơn

Ông Nhữ Ðình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Theo thống kê của BVSC, trong năm 2019, lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán thứ cấp khoảng 6.000 tỷ đồng.

Nhìn vào các thương vụ phát hành riêng lẻ thì vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa hơn, tính những thương vụ lớn đã lên tới con số 2,6 - 2,7 tỷ USD, chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tốt hơn.

Hầu hết các thương vụ thành công đều xuất phát từ nền tảng doanh nghiệp có cốt lõi kinh doanh tốt, quản trị công ty minh bạch. Ðây là một trong những cơ sở cho sự phát triển của thị trường năm 2020.

Ðối với khối công ty chứng khoán, những biến động của thị trường chứng khoán và sự chuyển dịch cạnh tranh giữa các công ty, đặc biệt là công ty ngoại với chính sách miễn phí giao dịch, giảm lãi suất margin (chỉ còn 8 - 9%/năm) khiến hoạt động của nhiều công ty chứng khoán trong nước bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhưng đây cũng là cơ hội để các công ty chứng khoán rà soát toàn bộ hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của mỗi công ty.

Kỳ vọng vốn ngoại sẽ giúp thị trường khởi đầu năm 2020 tích cực

Ông Nguyễn Ðức Hùng Linh, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI.

Hai cuộc khảo sát liên tục gần đây của Bank of America Merrill trong tháng 11 và 12/2019 đều đưa ra một kết quả là các nhà đầu tư trên thế giới càng ngày trở nên tích cực hơn với đầu tư vào cổ phiếu.

Trong danh mục của nhiều nhà đầu tư quốc tế, cổ phiếu hiện tăng lên, trong khi trái phiếu giảm xuống. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Kèm theo đó là một loạt tín hiệu và dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 cao hơn so với năm 2019.

Xu hướng đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2019, khi mà ngoại trừ một số cổ phiếu lớn tiếp tục bị bán ròng, thì nhìn tổng thể, dòng vốn ngoại vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bởi vậy, tôi kỳ vọng, trong những tháng đầu năm 2020, xu hướng này sẽ thể hiện rõ hơn. Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài hồi phục sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam có sự khởi đầu năm 2020 tích cực.

Nếu điều này diễn ra thì cũng tương tự như kịch bản của năm 2019.

Ở thời điểm hiện tại, không dễ đưa ra dự đoán về xu hướng của thị trường trong cả năm 2020, vì còn nhiều yếu tố tác động khó lường.

Tuy nhiên, ít nhất là trong quý I/2020, thị trường sẽ có diễn biến khả quan, nhà đầu tư sẽ đón Tết Nguyên đán với nhiều niềm vui.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động

Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Nam (VFM).

2019 có lẽ là một năm mà sau này chúng ta sẽ nhớ lâu, vì lần đầu tiên trong tư duy của rất nhiều người, khái niệm thị trường chứng khoán mới được định hình, khi bao gồm cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Nhìn lại năm 2019, giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu chính phủ hàng ngày cao hơn giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.

Trong bối cảnh đó, năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn tiếp tục sôi động, bởi chính sách chung của của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ tín dụng của hệ thống ngân hàng, với mức tăng khoảng dưới 14%/năm.

Bên cạnh đó, mục tiêu chung của Việt Nam là giảm tỷ lệ cung cấp vốn thông qua hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế, nên kênh huy động vốn trái phiếu sẽ được nhiều doanh nghiệp tiếp cận.

Trong mối tương quan đó, trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một kênh đầu tư tốt cả với nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, cũng như Bộ Tài chính là phải kiểm soát chặt quá trình phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành ra công chúng.

Nếu diễn ra tình trạng doanh nghiệp phát hành dưới hình thức riêng lẻ, sau đó đem trái phiếu đó bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân, thì trong dài hạn sẽ gây tổn hại cho thị trường. Cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Khi nhà đầu tư, các thành viên và nhà làm luật cùng song hành, thị trường sẽ phát triển

Ông Vũ Bằng, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thị trường chứng khoán năm tới sẽ có những yếu tố tích cực hơn, nhất là trong 6 tháng đầu năm.

Năm 2019, kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng thị trường chứng khoán được nhìn nhận là chưa có sự phát triển đồng nhịp.

Ðiều này có nghĩa là năm 2019 để dành một phần dư địa cho hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2020.

Ngoài ra, để tiếp sức cho sự phát triển tích cực của thị trường trong thời gian tới, chính sách thuế có tác động quan trọng, ở đây cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính.

Các sản phẩm mới như quỹ hưu trí nếu không có cơ chế thuế khuyến khích trong giai đoạn phát triển ban đầu thì sẽ khó ra đời và phát triển.

Việc thành công trong tiếp sức cho sản phẩm này phát triển sẽ góp phần gia tăng nhà đầu tư tổ chức.

Cùng với đó, các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi cần được đẩy mạnh triển khai. Chính sức ép từ nâng hạng thị trường sẽ thúc đẩy cơ quan quản lý thực thi sâu rộng hơn các bước cải cách, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập quốc tế.

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các chuẩn mực quốc tế, sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới.

Một xu hướng không thể đảo ngược trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là số hóa trong cung cấp các dịch vụ chứng khoán.

Ðiều này cần được thúc đẩy theo hướng nhanh hơn, vì lĩnh vực ngân hàng đã có những bước tiến mạnh trong thời gian gần đây.

Việc tái cấu trúc công ty chứng khoán thời gian qua tuy đạt kết quả khá tốt, nhưng trong bối cảnh nhiều yếu tố tác động đến an toàn tài chính các công ty này, cần có những giải pháp triển khai hiệu quả hơn.

Ðặc biệt, sau khi Luật Chứng khoán mới được ban hành, điều thị trường trông đợi là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung xây dựng các dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn để Chính phủ, Bộ Tài chính sớm ban hành.

Trong quá trình này, rất mong các hiệp hội, công ty chứng khoán, nhà đầu tư tham gia đóng góp ý kiến. Khi nhà đầu tư, các thành viên thị trường và nhà làm luật “gặp nhau”, thì thị trường sẽ phát triển tích cực.

Hữu Hòe - Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục