ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.
Ông có thể cho biết thực trạng thị trường thép hiện nay?
Ngành công nghiệp thép Việt Nam bắt đầu từ năm 1959 khi chúng ta xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên. Giai đoạn trước năm 1994, ngành thép phát triển rất chậm. Sau đó, các liên doanh sản xuất thép bắt đầu hoạt động, đặc biệt từ năm 2000, nhiều thành phần kinh tế tham gia xây dựng ngành thép, công nghiệp thép đã trở thành ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Các dòng sản phẩm của ngành thép hiện nay là thép xây dựng (thép cây, thép dây, thép hình), thép tấm lá cuộn cán nguội, thép ống hàn, tôn thép mạ và sơn phủ màu. Năm 2014, Việt Nam sản xuất được 12,3 triệu tấn, 9 tháng đầu năm sản xuất được 10,85 triệu tấn thép các loại.
Theo Hiệp hội Thép, thị phần tiêu thụ tôn mạ nội địa năm 2015 có thể giảm 20% so với năm 2013, xuống 43% (thị phần tôn mạ nhập khẩu chiếm 57%). Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen ước tính, tổng sản lượng tiêu thụ tôn nội địa năm 2015 là 2.597.633 tấn. Với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương 519.527 tấn, các DN sản xuất tôn trong nước ước bị thiệt hại 9.351 tỷ đồng (áp dụng mức giá 18 triệu đồng/tấn đối với hàng tôn màu nói chung).
Về thép xây dựng, năm 2014 sản xuất được 5,65 triệu tấn, 9 tháng đầu năm 2015 sản xuất được 5,244 triệu tấn và dự tính cả năm đạt 7 triệu tấn, đây là một phân khúc phát triển nhanh trong ngành thép.
Về ống thép hàn, năm 2014 sản xuất được 1,22 triệu tấn, 9 tháng đầu năm 2015 sản xuất được 1,1 triệu tấn và cả năm dự kiến sản xuất được 1,4 triệu tấn.
Về tôn sơn mạ và sơn phủ màu, năm 2014 sản xuất được 2,8 triệu tấn, 9 tháng đầu năm 2015 sản xuất được 2,39 triệu tấn và dự kiến cả năm đạt 3 triệu tấn. Thép cuộn cán nguội năm 2014 sản xuất được 2,62 triệu tấn, 9 tháng đầu năm 2015 sản xuất được 2,09 triệu tấn, cả năm dự kiến đạt 2,8 triệu tấn.
Tôn mạ và phủ màu là phân khúc quan trọng của ngành thép, tốc độ tăng trưởng 17%, có tính cạnh tranh cao, là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của ngành thép, năm 2014 chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Về thị trường tôn, năm 2014, các nhà sản xuất tôn thép tiêu thụ được 2,1 triệu tấn, trong khi đó, khối lượng nhập khẩu để tiêu thụ trong nước là 750.000 tấn, như vậy tôn nhập khẩu chiếm 26,3%.
9 tháng đầu năm 2015, các nhà sản xuất tôn thép tiêu thụ được 2,268 triệu tấn, trong khi đó, khối lượng nhập khẩu để tiêu thụ trong nước là 1,078 triệu tấn, như vậy tôn nhập khẩu chiếm 32,2%, gây tổn thất nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất tôn mạ trong nước.
Hiện nay, tôn thép giả khá phổ biến trên thị trường, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, theo ông?
Hàng giả, hàng nhái trở thành vấn nạn cho nhiều ngành, chứ không riêng ngành thép. Việc chống hàng giả cần cả xã hội cùng chung tay, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát, các DN nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh, người tiêu dùng nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là đối với người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Với các cơ quan nhà nước, chúng tôi kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để quản lý triệt để chất lượng tôn thép như xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật về tôn mạ và sơn phủ màu; triển khai đồng bộ, quyết liệt Thông tư liên tịch số 44/2013/TTTL-BCT-BKHCN về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, ngành thép đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt. Theo ông, DN thép trong nước cần chuẩn bị những gì?
Khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, ngành thép các nước có cả thách thức và cơ hội do hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các nhà sản xuất thép có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng bên cạnh đó là cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt hơn, không chỉ ở trên thị trường quốc tế, mà ngay tại thị trường trong nước.
Nhiều nước sử dụng các giải pháp bảo vệ sản xuất nội địa, là các biện pháp phòng vệ thương mại và họ đã sử dụng thành công. Ngành thép Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều vụ kiện trước đây và trong thời gian tới có thể còn nhiều hơn. Do đó, các DN phải nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, phân tán thị trường, nếu thị trường này bị kiện thì còn có thị trường khác để xuất khẩu. Ngoài ra, các DN phải nâng cao chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh, hạ giá thành…