Sáng nay (27/11), tại hội thảo “Tình trạng Tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu: hậu quả và giải pháp” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinatas) tổ chức, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép đã đưa ra những con số giật mình về tình trạng tôn nhập khẩu kém chất lượng tràn vào Việt Nam trong thời gian qua.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép, 9 tháng đầu năm 2015, lượng nhập khẩu tôn vào Việt Nam lên tới 1,078 triệu tấn, tăng 43,7% so với cả năm 2014 và gấp 3 lần năm 2011.
Nhập khẩu tôn vào Việt Nam qua các năm (nghìn tấn)
Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, ước tính tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm 2015 là 2,6 triệu tấn, thì với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương hơn 519.500 tấn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất 9.351 tỷ đồng.
Theo ông Thanh, tình trạng tôn thép giả không chỉ diễn ra ở một vài cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, mà đã lây lan mạnh mẽ trên diện rộng. Có 2 loại tôn gian là gian lận về độ dày tấm tôn và gian lận về độ dày lớp mạ, chất lượng mạ không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của tấm tôn.
Còn tôn kém chất lượng là chất lượng của tôn bao gồm các thông số kỹ thuật như độ dày sơn, chất lượng mạ, chất lượng sơn… không đảm bảo.
Chẳng hạn, nếu độ dày lớp sơn quá mỏng, thì khả năng chống chịu với môi trường bên ngoài sẽ kém, dẫn đến phai màu, rỉ sét, bong tróc…. Nếu tôn chất lượng bảo hành 10 năm, thì tôn gian, tôn kém chất lượng chỉ dùng được khoảng 5-7 năm.
Hiện thuế nhập khẩu tôn mạ màu và tôn quét vecni, tôn phủ plastic đều là 0%, theo ông Nguyễn Văn Sưa, Hiệp hội Thép đã kiến nghị Tổng cục Hải quan nên tách thuế nhập khẩu tôn mạ màu và tôn quét vecni thành 2 dòng thuế khác nhau, bởi tôn quét vecni, tôn phủ plastic là chủ yếu dùng trong kỹ thuật điện thì thuế 0% là hợp lý, nhưng đối với tôn mạ màu chỉ dùng để bao, che, thì hiện nay năng lực sản xuất trong nước đang dư thừa, chưa sử dụng hết, nên cần phải tách ra để đánh thuế ít nhất là 10 - 15%.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Vinastas kiến nghị, với mặt hàng tôn, thép giả, nhất là thép xây dựng, có liên quan đến chất lượng công trình, đến an toàn của người sử dụng, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương nên tiếp tục mở đợt kiểm tra trên diện rộng để phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật.
"Đối với hành vi giả nhãn hiệu, tôn mỏng, nhưng ghi trên nhãn tôn dày hơn để lừa dối người tiêu dùng, nhằm thu lợi bất chính, đã đủ dấu hiệu cho thấy đây là hành vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa, về nhãn hàng hóa và về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, cần xử lý mạnh tay hơn, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển sang cơ quan điều tra xem xét", ông Hùng nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thanh cho rằng, Việt Nam nên có một bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về quản lý chất lượng tôn thép, quy định cụ thể các tiêu chuẩn chất lượng của tôn, thép khi bán ở thị trường Việt Nam, áp dụng cả với doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài.
"Trong trường hợp chúng ta chưa ban hành được bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về chất lượng tôn, thép thì chúng ta cũng có thể áp dụng ngay những tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực như SNI, SIRIM đối với mặt hàng tôn thép nhập khẩu vào Việt Nam. Có như vậy, các doanh nghiệp Việt mới có thể có được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và sòng phẳng", ông Thanh khiến nghị.