Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin - Bộ Công thương, giá thép trên thị trường thế giới trong 9 tháng đầu năm 2015 giảm trung bình 35% so với đầu năm và giảm 45% so với cùng kỳ năm 2014, nguyên nhân chủ yếu là do giá quặng sắt giảm mạnh và thị trường Trung Quốc dư thừa nguồn cung.
Vậy nhưng, hầu hết các DN thép trong nước đều đạt lợi nhuận khả quan nhờ nhu cầu thép trong nước tăng. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cả nước đạt hơn 4,6 triệu tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 12 DN thép trên sàn, hiện có 3 DN chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 là Hữu Liên Á Châu (HLA), Đại Thiên Lộc (DTL) và Thép Pomina (POM). 8/9 DN báo lãi lớn trong quý III/2015 và tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước, đó là: Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Thép Nhà Bè (TNB), Thép Tiến Lên (TLH), Thép Thủ Đức (TDS), Ống thép Việt Đức (VGS), Thép Việt Ý (VIS), Thép Nam Kim (NKG). Chỉ có Thép Dana Ý (DNY) công bố lãi giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng lũy kế 9 tháng vẫn lãi 5,8 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận sau thuế của 9 DN thép nêu trên trong quý III/2015 là 1.522 tỷ đồng, tăng 36%; lũy kế 9 tháng là 3.904 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng đầu năm, ngoại trừ VIS báo lỗ 25,7 tỷ đồng, còn lại hầu hết DN đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao như: HSG, NKG tăng trên 80%; TLH tăng 58%; VGS, DNY tăng trên 30%. Cá biệt, lợi nhuận sau thuế của TNB gấp 5,7 lần, TDS gấp 32 lần cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu của các DN thép trong quý III/2015 là 19.157 tỷ đồng, tăng 2,4%; lũy kế 9 tháng là 65.773 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Giá thép giảm mạnh, nhưng các DN vẫn lãi lớn, vậy lợi nhuận tăng trưởng do đâu?
Nhìn vào biên lợi nhuận gộp (lợi nhuận gộp/doanh thu thuần) của các DN thép cho thấy, trong năm 2015, tỷ suất này của nhiều DN được cải thiện. Giá nguyên vật liệu đầu vào (giá quặng sắt) sụt giảm đã giúp giá vốn hàng bán của các DN thép giảm so với năm ngoái.
Bức tranh chung của ngành thép vẫn mang gam màu xám khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và nguồn cung thép dư thừa, đẩy mạnh xuất khẩu với giá thấp. Trong khi đó, thép Việt Nam, đặc biệt là tôn mạ đang bị kiện chống bán phá giá tại nhiều nước, gây khó khăn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, quý IV là mùa xây dựng nên dự kiến nhu cầu thép nội địa sẽ tăng nhẹ, giá cả ổn định, thậm chí có thể tăng. Với kết quả 9 tháng, nhiều khả năng các DN thép sẽ đạt và vượt kế hoạch kinh doanh năm 2015.