8. Về doanh nghiệp nhà nước:
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa có các quy định hoặc chưa quy định rõ ràng về các vấn đề đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước tạo ra các bất cập sau:
Thứ nhất, khó khăn trong áp dụng nguyên tắc tổ chức quản lý đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu do nhiều quy định tương ứng trong Luật Doanh nghiệp chưa cụ thể hoặc chưa chi tiết dẫn đến khó áp dụng trên thực tế.
Thứ hai, chưa quy định đặc thù trong tổ chức, hoạt động và quy trình ra quyết định đối với hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước và mối quan hệ giữa cơ quan chủ sở hữu nhà nước và người trực tiếp đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp,...
Thứ ba, chưa có quy định về giám sát, đánh giá trong hệ thống đại diện chủ sở hữu: Quốc hội đối với Chính phủ, Chính phủ đối với cơ quan (hay các cơ quan chủ sở hữu), cơ quan chủ sở hữu đối với người đại diện trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu; nhất là chưa quy định về giám sát, đánh giá trực tiếp, chủ động và thường xuyên của cơ quan chủ sở hữu đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp.
Khiếm khuyết nói trên đã góp phần làm cho giám sát, đánh giá nội bộ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp trở nên lỏng lẻo và kém hiệu lực.
Thứ tư, quy định yêu cầu doanh nghiệp nhà nước chỉ công khai hóa và minh bạch hóa tương tự như đối với các doanh nghiệp khác cùng loại cũng đã chứng tỏ chưa phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Công khai hóa và minh bạch hóa thông tin “dưới chuẩn” (so với thực tiễn và thông lệ quốc tế tốt) đã không phát huy được tác động tích cực của giám sát bên ngoài, giám sát của thị trường, của các nhà đầu tư, khách hàng, đặc biệt là của nhân dân đối với doanh nghiệp nhà nước và cách thức, hiệu quả thực hiện quyền chủ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp.
Từ thực tiễn này, vấn đề đặt ra trong luật sửa đổi là:
Bổ sung các quy định tổng thể và có hệ thống khung quản trị đối với doanh nghiệp Nhà nước.
- Xác định rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực doanh nghiệp nhà nước và từng doanh nghiệp nhà nước
- Xác định lại nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong doanh nghiệp
- Bổ sung các quy định cụ thể về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp
- Bổ sung các quy định “đặc thù”, cần có quy định khác về nguyên tắc quản trị trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chủ sở hữu là nhà nước.
- Tăng cường quy định về công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước: yêu cầu công khai hóa định kỳ và bất thường.
9. Về doanh nghiệp xã hội:
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tương tự như nhiều nước khác trong khu vực và thế giới, trong thời gian gần đây, ở Việt Nam số doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội đã ngày càng gia tăng và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Đây là doanh nghiệp mà lợi nhuận thu được chủ yếu dùng để tái đầu tư giải quyết vấn đề xã hội hoặc môi trường đã đăng ký.
Theo điều tra sơ bộ tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, hiện có khoảng vài trăm doanh nghiệp xã hội hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc các nhóm người yếu thế, giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và xóa đói, giảm nghèo,…
So sánh với doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội trước hết là doanh nghiệp; điểm khác biệt là doanh nghiệp này hoạt động trước hết vì mục tiêu xã hội; tức là lợi nhuận thu được sẽ tái đầu tư trở lại để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường đã đăng ký, không chia cho các thành viên, cổ đông như doanh nghiệp bình thường.
Doanh nghiệp xã hội cũng khác với các “hoạt động mang tính vì cộng đồng” của doanh nghiệp thông thường. Các hoạt động như làm từ thiện, hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là các hoạt động xã hội bổ sung thêm của các doanh nghiệp thông thường; còn đối với doanh nghiệp xã hội, thì tôn chỉ, mục đích và toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp là để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường đã được xác định ngay từ khi thành lập.
Khảo sát thực tế và tham vấn chính sách của CIEM cho thấy chủ sở hữu, người quản lý và các bên có liên quan đều mong muốn DNXH được quy định và thừa nhận về mặt pháp lý; qua đó, có thể có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển DNXH, phù hợp với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước.
Mong muốn nói trên là chính đáng; vì nếu được như vậy, DNXH ở nước ta sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển, trở thành lực lượng bổ sung cho Nhà nước, đồng hành cùng Nhà nước trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường của đất nước.
Trên cơ sở đó, vấn đề đặt ra đối với luật sửa đổi là:
Bổ sung khái niệm doanh nghiệp xã hội để quy định và thừa nhận về pháp lý sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội, nhằm thúc đẩy sự phát triển loại doanh nghiệp này như một phương thức mới, bổ sung cho Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội.
Doanh nghiệp xã hội được xác định là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường; phần lớn lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như đã đăng ký.
Do đó, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội sẽ là một phương thức mới để giải quyết vấn đề xã hội một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Như đã giới thiệu với Quý độc giả, liên quan vấn đề sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ngày mai thứ Bảy 17/5/2014, Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức buổi Tọa đàm góp ý về Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại tòa soạn báo Đầu tư 47 Quán Thánh, Hà Nội.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, đại diện Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện đại biểu quốc hội, Tổ soạn thảo dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi cùng các chuyên gia, doanh nghiệp có uy tín thảo luận về các nội dung sửa đổi. tinnhanhchungkhoan.vn sẽ tiếp tục đưa tin về các ý kiến mới nhất từ buổi tọa đàm.