Sửa đổi Luật Doanh nghiệp – Kỳ 3: Các vấn đề về giải thể doanh nghiệp và minh bạch thông tin

(ĐTCK) LTS:  Bài số 3 tiếp theo trong loạt bài hệ thống lại các nội dung sửa đổi được Chính phủ đặt ra trong dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, tinnhanhchungkhoan.vn chuyển đến quý vị độc giả các vấn đề liên quan tới giải thể, phá sản doanh nghiệp và minh bạch thông tin.  
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp – Kỳ 3: Các vấn đề về giải thể doanh nghiệp và minh bạch thông tin

6. Tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp:

Tại Luật Doanh nghiệp 2005, quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp chỉ áp dụng cho doanh nghiệp cùng loại không còn phù hợp với thực tế; đang hạn chế, cản trở việc thay đổi hoặc mở rộng kinh doanh theo cách thức sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2005 mới chỉ quy định chung về hồ sơ, thủ tục khi đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất và sáp nhập, mà chưa xác định rõ các phương thức sáp nhập, hợp nhất; chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đăng ký doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập như thay đổi về vốn điều lệ hay thay đổi thành viên, cổ đông... Bất cập này đã dẫn đến lúng túng, chậm trễ và khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục liên quan.

Ngoài ra, các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 về giải thể chỉ phù hợp đối với trường hợp giải thể tự nguyện; khó áp dụng trong trường hợp giải thể “bắt buộc” do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của tòa án; chưa quy định cách thức xử lý hợp lý đối với doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và không làm thủ tục giải thể.

Như vậy, vấn đề đặt ra trong dự luật sửa đổi là:

Thứ nhất, bãi bỏ yêu cầu đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; chỉ coi đây là thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, tạo thuận lợi cho hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp trong trường hợp sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, cụ thể:

- Mở rộng đối tượng được quyền hợp nhất, sáp nhập, chia, tách công ty. Cho phép các công ty có cùng bản chất (có thể khác loại hình thức tổ chức) có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách.

- Bổ sung quy định mang tính hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục về phương thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp và đăng ký lại doanh nghiệp sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách.

- Quy định các điều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp nhằm giảm việc lạm dụng hoạt động này, gây thiệt hại cho cổ đông và các bên có liên quan.

Thứ ba, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động giải thể doanh nghiệp. Cụ thể:

- Bổ sung quy định hướng dẫn giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của tòa án.

- Xem xét lại trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chỉ áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, buộc doanh nghiệp phải chấm dứt toàn bộ hoạt động.

- Xem xét bổ sung quy định hướng dẫn giải thể hàng loạt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã ngừng hoạt động, không nợ nần bất kỳ ai nhưng chưa làm thủ tục giải thể.
 

7. Về công khai và minh bạch hóa thông tin:

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu công khai và minh bạch hoá thông tin đối với doanh nghiệp nói chung còn yếu, nhất là đối với các công ty cổ phần chưa đại chúng và doanh nghiệp nhà nước. Các yêu cầu về công khai hoá thông tin chưa thật đầy đủ và tương thích với thông lệ quốc tế tốt; chưa có cơ chế kiểm tra và giám sát một cách hiệu quả chất lượng của các thông tin được công bố.

Từ thực tiễn này, vấn đề đặt ra trong  luật sửa đổi là:

Thứ nhất, bổ sung quy định tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể khác có liên quan tham gia theo dõi, giám sát doanh nghiệp, như, bổ sung yêu cầu về minh bạch hóa, công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải công khai hóa thông tin cơ bản về tình hình hoạt động, nguyên tắc quản trị, cơ cấu sở hữu lớn; tạo thuận lợi cho các bên có liên quan trong tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp.

Thứ hai, bổ sung yêu cầu công khai hóa thông tin kịp thời và đầy đủ đối với công ty cổ phần để tương thích với thông lệ quốc tế tốt, như: điều lệ doanh nghiệp, danh sách thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc, thành viên ban kiểm soát, cổ đông nước ngoài (Điều 177). Nội dung sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt tạo thuận lợi cho các bên có liên quan tiếp cận thông tin về doanh nghiệp và theo dõi, giám sát doanh nghiệp.

(Còn nữa)

Sửa Luật Doanh nghiệp - Kỳ 4 : Các vấn đề về doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xã hội

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục