Sáng 24/9, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cùng khởi động Dự án Thúc đẩy Cải cách và Nâng cao Năng lực Kết nối của Doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (USAID LinkSME).
Với kinh phí 22,1 triệu USD bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại và được thực hiện trong 5 năm, USAID LinkSME sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với những doanh nghiệp hàng đầu sẽ thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hỗ trợ mục tiêu của USAID Việt Nam là giúp mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mai Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ thời gian qua trong việc nâng cao năng lực về xây dựng thể chế, cải cách hành chính. Môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam ngày càng được cải thiện nhờ sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ.
Chính phủ đã cắt giảm được 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh kể từ năm 2018 đến nay (đạt 111,5%, vượt 11,5% so với yêu cầu của Chính phủ). Cùng với 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, 30 thủ tục hành chính liên quan được đơn giản hóa đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Tạp chí US News &World vừa xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, tăng 15 bậc từ vị trí 23 năm 2018.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã xác định đây là năm “Bứt phá”. Việt Nam đang trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Từ đó tạo ra một Chính phủ minh bạch hóa, Chính phủ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
“Cuối tháng 11 năm nay, chúng tôi quyết tâm khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Việc này cũng đồng thời nhằm phòng chống tham nhũng vặt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng Mai Tiếng Dũng, Dự án LinkSME gắn kết quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể với quá trình nghiên cứu, cải cách theo ngành cũng như gắn kết những chỉ đạo cải cách từ Chính phủ với những nỗ lực thay đổi từ dưới lên, từ bản thân doanh nghiệp.
Dự án góp phần tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động cải cách thể chế, đơn giản hoá quy định, thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời tạo ra các thay đổi cơ bản về khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế cũng như với chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Việc hỗ trợ phát triển các DNNVV Việt Nam theo dự án LinkSME sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững và khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam trong những thập niên tới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng tình với Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đánh giá cao Dự án Link SME, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Dự án sẽ góp phần tích cực giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết được các vấn đề mà khu vực DNNVV Việt Nam đang đối diện, tăng cường năng lực liên kết cho DNNVV trong các ngành được lựa chọn, đồng thời tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều DNNVV tự tin và chủ động vươn ra các thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, cách đây ít ngày (19/9), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thành công Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ 2 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động”, tập trung vào 2 vấn đề lớn là thể chế và đổi mới sáng tạo.
“Tại Diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước và luôn hành động để hiện thực ước mơ trong toàn bộ lịch sử cải cách và phát triển. Trong đó, Thủ tướng cũng đã khẳng định cần phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cả nước hiện có hơn 730 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, các DNNVV đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia thông qua tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, góp phần quan trọng giảm khoảng cách giàu nghèo...
Tuy nhiên, do quy mô nhỏ bé nên DNNVV Việt Nam chưa có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Đa số DNNVV có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ bé cả về lượng và chất. Đặc biệt, mối liên kết của các DNNVV cũng như giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn nhiều hạn chế. “Đây là vấn đề lớn của Việt Nam”, ông nói.
Khẳng định “không thể sử dụng mệnh lệnh mà phải theo cơ chế thị trường” khi kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu có mục tiêu, nỗ lực và sự quyết tâm thì chúng ta sẽ hỗ trợ khu vực tư nhân nâng cao năng lực, tiêu chuẩn…, giúp các doanh nghiệp chủ động liên kết.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Dự án LinkSME có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, cùng với Luật Hỗ trợ DNNVV và Dự án LinkSME, tất cả các bộ ngành, địa phương cần nỗ lực triển khai Luật với các chính sách đồng bộ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục có các dự án bổ sung, mở rộng theo hướng hoàn thiện, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa như đào tạo, công nghệ, thâm nhập thị trường, tham gia các chuỗi giá trị…
Về phần mình, đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết, ông đánh giá cao sự hợp tác của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID.
“Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và độc lập, một Việt Nam có thể đóng góp vào an ninh quốc tế, tham gia vào thương mại tự do, công bằng… Chúng tôi vinh dự là đối tác của Việt Nam và đầu tư vào sự thành công của Việt Nam. Trong 25 năm qua, Việt Nam ngày càng trở thành một đối tác kinh tế quan trognj của Hoa Kỳ. Một trong những ưu tiên của chúng tôi là thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại vững mạnh ở Việt Nam”, Đại sứ nói.
Ông Daniel J. Kritenbrink cho biết, thông qua dự án này, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam sẽ tăng cường kết nối các DNNVV vào chuỗi cung ứng, giúp Việt nam vững bước trên con đường tự cường và thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về thương mại và năng lực cạnh tranh.
“Tôi tin tưởng quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai quốc gia tiếp tục nở hoa. Tôi mong sẽ sớm được nghe về những mối quan hệ được kết nối thành công từ dự án LinkSME”, ông nói.
Theo đánh giá của USAID, DNNVV chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, tạo ra 63% số lượng việc làm cho xã hội, đóng góp 45% GDP cả nước.
Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy chỉ 1.800 DNNVV thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho toàn bộ các ngành. Hầu hết các doanh nghiệp đầu chuỗi có xu hướng tiếp tục hợp tác vbới nhà cung cấp nước ngoài. Nguyên nhân là do tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam còn thấp theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu, hạn chế về công nghệ, nhân lực...
Mục đích của Dự án Link SME là tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống trong mối quan hệ kinh doanh giữa các DNNVV của Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi, tăng đáng kể về số lượng và chất lượng các kết nối kinh doanh giữa DNNVV và doanh nghiệp đầu chuỗi.
Dự án hiện đang hỗ trợ ngành Điện tử và Kim khí, hỗ trợ sẽ được mở rộng cho các ngành khác. Phân tích từ Dự án LinkSME nhận định, tiềm năng tăng trưởng hiện nay của Việt Nam qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước lên đến 58 tỷ USD.