Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nỗ lực của riêng ngành ngân hàng là không đủ

(ĐTCK) Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa được triển khai, hoặc gặp khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nỗ lực của riêng ngành ngân hàng là không đủ

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội tổ chức ngày 16/4/2019, ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, sau một năm triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV bộc lộ khó khăn, vướng mắc…

Theo ông Hùng, các gói sản phẩm tín dụng dành cho đối tượng DNNVV đã được các ngân hàng tích cực triển khai, nhưng chưa đa dạng; nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo gặp khó khăn khi vay vốn do không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV như khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác chưa được triển khai hiệu quả.

Tại hội nghị, ý kiến từ một số doanh nghiệp cho thấy các khó khăn riêng. Chẳng hạn, bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tuấn Minh cho biết, ngành hàng gia vị của Công ty bị chi phối và điều tiết bởi các thương lái Trung Quốc mạnh về tài chính, tung tiền mặt ra mua hàng tại các vùng nguyên liệu với giá cao hơn, số lượng không giới hạn.

“Đó là một trong những rủi ro và thách thức mà Công ty luôn phải đối mặt và từng bước tìm cách khắc phục”, bà Mai nói.

Tuy nhiên, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng vẫn là vấn đề “nóng”. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải chia sẻ, ngành nghề kinh doanh xăng dầu của Công ty yêu cầu nguồn vốn lớn do giá trị và số lượng mặt hàng cao, lợi nhuận biên mỏng. Khi có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo là nhà đất, tài sản cố định có giá trị cao, trong khi ngân hàng định giá ở mức độ thấp so với giá trị thị trường (từ 20 - 25%) và cho vay với tỷ lệ 70%. Như vậy, doanh nghiệp không thể có đủ tài sản tích luỹ để thế chấp ngân hàng.

Với vai trò là nơi cung ứng vốn cho nền kinh tế, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN; chủ động cân đối khả năng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng; xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp khi gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, chưa thể trả được nợ đúng hạn…

“Bản thân các DNNVV cũng phải tự nâng cấp, cải thiện năng lực quản trị và độ tinh thông trong hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh; tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; chủ động, tích cực tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn”, ông Tú nói.

Tất nhiên, các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn về vốn. Vì thế, ông Tú kiến nghị, các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Cụ thể, triển khai đồng bộ các chính sách thuế, phí, đất đai, đào tạo, tư vấn…, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các ngành/lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ; cấp đủ vốn điều lệ và chỉ đạo hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quy trình nghiệp vụ của Quỹ bảo lãnh cho DNNVV Hà Nội để thực hiện theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ…

Ông Nguyễn Văn Thân, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhìn nhận, thực tế triển khai hỗ trợ DNNVV tại nhiều địa phương cho thấy, có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nghĩa là, ở Trung ương sôi sục việc hỗ trợ DNNVV phát triển, nhưng ở địa phương thì nhiều nơi còn thờ ơ. 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục