Phải có chế tài với hộ kinh doanh đủ điều kiện không chịu “lên đời” doanh nghiệp

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, nhưng theo TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vẫn chưa có nhiều hộ kinh doanh muốn “lên đời”.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhận được rất nhiều hỗ trợ, nhưng nhiều hộ chưa mặn mà. Vì sao vậy, thưa ông?

Thành lập doanh nghiệp từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu;

Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong 3 năm; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm…  

Mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế, nhưng chi phí hàng năm của doanh nghiệp vẫn còn cao hơn rất nhiều so với khi còn kinh doanh theo hộ cá thể. 

Trong tổng số 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, có khoảng 1,7 triệu hộ đủ điều kiện để trở thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ không muốn “lên đời”, vì hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh, cá nhân hầu như không đóng góp gì vào ngân sách nhà nước, nếu có thì hàng năm chỉ phải nộp thuế môn bài 300.000 đồng, 500.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng, tùy thuộc vào doanh thu. 

Còn khi đã trở thành doanh nghiệp thì nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách; chi phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động, các loại chi phí về sổ sách, kế toán, hóa đơn, chứng từ cũng không hề nhỏ, nên ít hộ kinh doanh cá thể nào muốn trở thành doanh nghiệp.

Theo ông, có phải do các chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp?

Tôi cho rằng, các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp hiện nay đã quá đủ, không thể ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ hơn được nữa. Khi mà cơ chế, chính sách đã đủ mà hộ kinh doanh đủ điều kiện vẫn không muốn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì phải có chế tài xử lý. 

Ví dụ, hộ kinh doanh có doanh thu từ 300 - 400 triệu đồng/năm trở lên buộc phải thực hiện sổ sách kế toán như doanh nghiệp; hộ kinh doanh sử dụng lao động phải thực hiện đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội;

Sớm sửa đổi Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, theo đó yêu cầu hộ kinh doanh đạt đến mức độ doanh thu nhất định phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế… 

Tức là dù hoạt động dưới mô hình hộ kinh doanh đến ngưỡng nào đó, cá nhân kinh doanh phải thực hiện các quy định về hoá đơn, chứng từ, sổ sách kế toán, chế độ cho người lao động như doanh nghiệp.

Một khi thấy phải hoạt động như doanh nghiệp, trong khi không nhận được ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ như doanh nghiệp, tự khắc hộ kinh doanh sẽ chuyển thành doanh nghiệp. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, kiểm soát.

Sao lại có kiểm tra, kiểm soát ở đây, thưa ông?

Theo quy định, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; sử dụng lao động dưới 3 tháng không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Nếu không kiểm tra, kiểm soát thì không hộ kinh doanh nào kê khai đầy đủ doanh thu, số lượng lao động thường xuyên, không thường xuyên để trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và nghĩa vụ với người lao động. Đây chính là nguyên nhân khiến không có nhiều hộ kinh doanh muốn trở thành doanh nghiệp.

Cơ quan thuế cũng thừa nhận hiện còn thất thu thuế khá lớn ở khu vực hộ kinh doanh cá thể. Theo tính toán của tôi, nếu tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình quân mỗi hộ kinh doanh phải nộp thêm ít nhất 1 triệu đồng/tháng vào ngân sách nhà nước. Nếu thu được số tiền này, hàng năm, ngân sách nhà nước tăng thu thêm ít nhất 60.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm, cần phải triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về tín dụng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục