Sáng 5/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ibosses Việt Nam và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển và Lễ công bố Dự án thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNNVV.
Mục đích của hội thảo nhằm nhanh chóng thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạp từ bài học thành công quốc tế và đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng và bài học thành công của các nước hỗ trợ DNNVV.
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi, có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
Việc xây dựng và vận hành NIC sẽ là một quá trình dài và khó khăn, đòi hỏi các chương trình thí điểm hiệu quả và có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều bên - các bộ, ban, ngành cũng như các hiệp hội, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty, tổ chức giáo dục…
Với vai trò hiệp hội toàn cầu về kế toán, tài chính, quản trị, ACCA công bố kết quả khảo sát với tên gọi Thách thức tăng trưởng của DNNVV được thực hiện vào cuối năm 2018 trên cơ sở tổng kết hàng ngàn phiếu khảo sát trên toàn cầu và nhiều cuộc phỏng vấn sâu tại Anh quốc, Malaysia và Việt Nam.
Ông Sharath Martin, Tư vấn chính sách ACCA Khu vực ASEAN, Úc và New Zealand cho biết: “Để mở rộng quy mô hiệu quả, DNNVV cần xây dựng mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng. Theo đó, chiến lược tăng trưởng sẽ được xây dựng trên 3 lĩnh vực chính là dự báo triển vọng, cơ cấu tổ chức và hành vi”.
ACCA cũng giới thiệu bộ công cụ các DNNVV có thể sử dụng để tối đa hóa cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh, gọi vốn thành công bao gồm khung tăng trưởng cũng như đề xuất chi tiết các việc cần làm ngay của các DNNVV.
Ông Tăng Ngọc Trường An, Tổng giám đốc Ibosses Việt Nam chia sẻ: “DNNVV start-up đang đứng trước cơ hội lớn có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư - định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp dần lớn mạnh. Tuy nhiên, thành công chỉ đến với những doanh nghiệp quản trị bài bản theo chuẩn quốc tế và minh bạch tài chính. Đó chính là điều mà iStart sẽ mang lại.
Cũng tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ có 1.000 doanh nghiệp có cơ hội được chọn lọc để kết nối đầu tư gọi vốn thông qua việc tham gia training camp diễn ra trong vòng 2 ngày tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng trong khuôn khổ Chương trình tăng tốc doanh nghiệp. Hội đồng nhà đầu tư sẽ chọn những doanh nghiệp (DN) xuất sắc nhất để chuyên nghiệp hóa, kết nối đầu tư và phát triển ra thị trường quốc tế.
iStart iStart là chương trình tăng tốc doanh nghiệp dựa trên nền tảng hệ sinh thái của iBosses, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng iBosses Việt Nam phối hợp thực hiện.
Mục đích của chương trình là chuyên nghiệp hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các start-up hoạt động hiệu quả trong kỷ nguyên số, đồng thời giúp kết nối đầu tư trong nước và quốc tế. Đến với iStart, các doanh nghiệp sẽ trải qua 4 vòng tuyển chọn.
Tại vòng một (Tiếp nhận và thẩm định), 1.000 đại diện doanh nghiệp sẽ được chọn lọc để tham gia training camp diễn ra trong vòng 2 ngày tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Thông qua các hoạt động đào tạo, hội đồng thẩm định sẽ chọn ra 100 doanh nghiệp phù hợp nhất để tiếp tục tham gia chương trình.
Tại vòng hai (Thiết lập và giám sát), các doanh nghiệp sẽ trải qua chương trình đào tạo online theo chuẩn quốc tế Ibosses, kết hợp với 6 ngày đào tạo offline cùng các chuyên gia quốc tế hàng đầu về quản trị doanh nghiệp, công nghệ, kinh doanh tiếp thị và Kế toán tài chính trong kỷ nguyên số, đồng thời, được huấn luyện trực tiếp về cách lập đề án kinh doanh.i-Start sẽ tiến hành thẩm định và chọn ra 40 doanh nghiệp bước vào vòng tiếp theo.
Vòng ba (Huấn luyện lãnh đạo) sẽ hướng trực tiếp đến cá nhân lãnh đạo các công ty. Tại đây, chủ doanh nghiệp sẽ trải qua 6 tháng huấn luyện với cố vấn chuyên sâu thích ứng kịp thời với môi trường công nghệ số 4.0 và được hội đồng thẩm định đánh giá và gửi báo cáo tới các nhà đầu tư.
Trong vòng bốn (Kết nối đầu tư), các doanh nghiệp sẽ tham gia một hoạt động có tên gọi I-start Pitching day và thực hiện các bài thuyết trình giới thiệu về mình trước các nhà đầu tư.
Dựa trên phần trình bày và các bản báo cáo về doanh nghiệp và lãnh đạo, hội đồng nhà đầu tư sẽ chọn ra 25 doanh nghiệp xuất sắc nhất để chuyên nghiệp hóa, kết nối đầu tư và phát triển ra thị trường quốc tế.