"Điều hoà có còn là mặt hàng xa xỉ đâu mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) khi thảo luận tại tổ sáng 22/11 về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại tổ sáng 22/11 (Ảnh: M.Minh) Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại tổ sáng 22/11 (Ảnh: M.Minh)

Sáng 22/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 23 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tại dự án Luật, Chính phủ vẫn giữ nguyên quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt - mức 10% với điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống như luật hiện hành; song loại trừ việc đánh thuế với điều hoà theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay.

Ngoài ra, trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh) để luật hoá quy định đang thực hiện ổn định trong thời gian dài.

Đề nghị đưa xăng và điều hoà ra khỏi diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Thảo luận tại tổ về dự án Luật này vào sáng cùng ngày, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, bây giờ điều hoà có còn là mặt hàng xa xỉ hay không mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?

Theo đại biểu, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng.

Cách đây 40 - 50 năm thì điều hoà đúng là hàng xa xỉ, nhưng thời điểm hiện nay kể cả người lao động tại các khu nhà trọ cũng phải lắp để sử dụng cho gia đình, con cái, dù không phải lúc nào họ cũng sử dụng. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt của Việt Nam về 40 - 50 năm trước.

"Với một nước nhiệt đới như Việt Nam, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà có hợp lý?", ông Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng nên đưa điều hoà ra khỏi danh sách những mặt hàng chịu loại thuế này.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, đúng là điều hoà nhiệt độ có gây ô nhiễm môi trường, nhưng đời sống đi lên thì dùng điều hòa là nhu cầu thiết yếu.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Ông Huân nêu vấn đề, vào mùa hè, nhất là ở thành phố, liệu người dân có chịu được khi không có điều hòa? Nhu cầu dùng điều hòa như dùng xăng để đi xe, vì vậy điều hòa có nên là mặt hàng có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?

Theo đại biểu, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào những hàng đặc biệt, nếu không dùng thì cũng không làm sao, ví dụ như thuốc lá, rượu bia...; trong khi điều hoà không còn là mặt hàng xa xỉ và trong nhiều trường hợp, không thể không sử dụng mặt hàng này.

"Nếu không có điều hòa thì con người chịu làm sao được, nhất là lúc đang làm việc? Vì vậy tôi cho rằng nên cân nhắc quy định này", ông Huân nói.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, hiện điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển, hầu hết các gia đình có đời sống "đủ ăn" là có thể mua được một chiếc điều hòa.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Chưa kể, với điều kiện thời tiết như Việt Nam, một giấc ngủ ngon là không thể thiếu chiếc điều hòa. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động sau một ngày mệt nhọc.

Đại biểu dẫn chứng, năm 1998 điều hòa từng bị áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt là 20%, đến năm 2008 thấy không hợp lý nên kéo xuống 10%. Lẽ ra, dự thảo lần này phải đưa điều hòa ra khỏi danh mục chịu thuế thì mới hợp lý.

Trước đó, sau khi Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Ông Mạnh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, điều hoà không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây.

“Trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế. Không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân”, ông Lê Quang Mạnh cho hay.

Hồi tháng 7/2024, góp ý dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), với điều hoà nhiệt độ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết mặt hàng này phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008.

Trước đây, điều hoà nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hoà nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà nhiệt độ.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục