Thêm bước tiến cho thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Sau 3 tháng hoàn thiện, chỉnh sửa, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư vừa được cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ.
Trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư Trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

Giảm áp lực cho ngân sách

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình số 9325/TTr-CP gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết trong đó cho phép thu phí sử dụng đường bộ đối với toàn bộ các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí (bổ sung Danh mục Phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí một khoản phí mới: “Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư”).

Được biết, Dự thảo Nghị quyết quan trọng trên chỉ bao gồm 4 điều: Điều 1 - Nhà nước thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư; Điều 2 - Bổ sung Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13; Điều 3 - Tổ chức thực hiện và Điều 4 - Điều khoản thi hành.

Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư (bao gồm cả các đoạn đường bộ do Nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông). Do đó, để thu phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, cần phải báo cáo Quốc hội để Quốc hội chấp thuận chủ trương.

“Sau khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương thu phí, các cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm cơ sở triển khai thực hiện”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Cụ thể, trong trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, UBND các tỉnh xác định cụ thể các đoạn tuyến đường bộ cao tốc thực hiện thu phí; xây dựng đề án khai thác theo quy định làm cơ sở tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sẽ căn cứ Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và các luật có liên quan để ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để tổ chức thực hiện.

Về mức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, tại Tờ trình số 9325/TTr-CP, Bộ GTVT kiến nghị xác định trên ba nguyên tắc cơ bản: phù hợp với lợi ích của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước để bố trí kinh phí bảo trì dự án và hoàn vốn đầu tư; được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.

Số tiền phí thu được được nộp ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hỗ trợ các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác (so với điều kiện hợp đồng dự án ban đầu).

Về cơ chế phân chia nguồn thu phí giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, Bộ GTVT đề xuất, số tiền phí thu được trên từng tuyến cao tốc được nộp vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tham gia dự án đầu tư tuyến cao tốc đó.

Mặc dù không điểm cụ thể các tuyến cao tốc sẽ được áp dụng cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, nhưng khi phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng 100% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Dự án Đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP.HCM, Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I, Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I và Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I, Quốc hội đều định hướng rất rõ cần xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư.

Theo Bộ GTVT, việc triển khai thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trên một số đoạn/tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư trong giai đoạn ngắn hạn sẽ giúp cơ quan quản lý đường bộ giảm áp lực về kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, yêu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hàng năm sẽ rất lớn, tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 là 9.067 tỷ đồng, bình quân 1.813 tỷ đồng/năm.

Minh định các cơ chế thu

Theo Bộ GTVT, đầu tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã chủ trì làm việc với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan về việc xây dựng cơ chế thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tại cuộc họp này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng phương án thí điểm thu tiền sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư (gọi tắt là phương án thí điểm).

Tiếp thu ý kiến trên, Bộ GTVT đã nghiên cứu thêm phương án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trên một số đoạn/tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, với các nội dung chính như: phạm vi và đối tượng là các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025; thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn/tuyến đường bộ được triển khai thu phí. Sau thời gian thí điểm thu, sẽ có đánh giá, tổng kết đề xuất cơ chế phù hợp.

Trong các văn bản góp ý đối với phương án thí điểm, các bộ, ngành đều đề nghị làm rõ lý do đề xuất để trình Quốc hội ban hành chính sách về cơ chế thí điểm; trường hợp thí điểm thì quá trình triển khai cần áp dụng theo cơ chế giá hay cơ chế phí; mục đích việc thu tiền để hoàn vốn hay thu nộp ngân sách; làm rõ phạm vi áp dụng: toàn bộ các dự án đường bộ cao tốc có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (kể cả các dự án BOT đã được chuyển giao cho Nhà nước…), có đường song hành hay các dự án đường cao tốc được đầu tư mới sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước theo các nghị quyết của Quốc hội.

Về các nội dung này, Bộ GTVT thấy rằng, rất khó có khả năng đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm như một đề xuất chính sách mới... Trường hợp có thí điểm về phạm vi, thời gian, thì cũng phải dựa cơ chế thu (phí hoặc giá) để thực hiện.

Được biết, ngoài phương án thí điểm như được nghiên cứu gần đây, trong quá trình nghiên cứu, thông qua việc phân tích, Bộ GTVT đã có những đánh giá cơ sở pháp lý, giải pháp triển khai thực hiện và ưu, nhược điểm của cả hai hình thức thu: theo cơ chế giá và thu theo cơ chế phí.

Bộ GTVT cho rằng, phương án thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao hơn phương án thu theo cơ chế giá (như hướng triển khai thực hiện rõ ràng, tạo nguồn thu kịp thời cho ngân sách nhà nước và chủ động trong thực thi quản lý nhà nước).

Trong khi đó, ngoài bất lợi về cơ sở pháp lý triển khai chưa rõ ràng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc điều tiết số tiền doanh nghiệp thu được từ hoạt động kinh doanh đường cao tốc về ngân sách không linh hoạt, khó khăn trong xác định giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…, việc triển khai thu tiền sử dụng đường cao tốc theo cơ chế giá sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần phải xử lý, như việc Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép “hồi tố” đối với các dự án đường cao tốc do Nhà nước đã đầu tư từ nguồn ngân sách không nhằm mục đích kinh doanh thì nay được chuyển sang hình thức đầu tư để kinh doanh.

Đây là vấn đề pháp lý rất phức tạp, không dễ tháo gỡ, trong khi việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư là rất cấp bách.

Về nguồn lực để triển khai hoạt động thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa được đầu tư hệ thống trạm thu phí. Trên cơ sở các đề án khai thác cho từng đoạn/tuyến cao tốc được duyệt, hệ thống trạm thu phí sẽ được đầu tư từ các nguồn vốn phù hợp (vốn đầu tư công; nguồn thu phí; nguồn vốn của nhà đầu tư...).

“Hoạt động quản lý, khai thác đường cao tốc sử dụng nguồn nhân lực hiện có của ngành giao thông vận tải, nên không phát sinh thêm nguồn nhân lực, tài chính cho hoạt động quản lý, khai thác”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Tại Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung 5 phương thức để khai thác tài sản kết cấu đường cao tốc, bao gồm: trực tiếp tổ chức khai thác (Nhà nước trực tiếp quản lý, thu phí, bảo trì); chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng đường cao tốc; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc; nhượng quyền kinh doanh - quản lý theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Lý giải về đề xuất này, Bộ GTVT cho hay, việc đầu tư vào đường cao tốc rất khó để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài do hành lang pháp lý còn thiếu tính hấp dẫn. Trong khi đó, 10 năm tới, nhu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguồn vốn dành cho quản lý bảo trì đường bộ hiện cũng rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 45% so với yêu cầu. Vì thế, đề xuất như trong Dự thảo sẽ giúp thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư, phát triển, bảo trì đường cao tốc, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục