Tuy nhiên, ngành thuế vẫn phải tiếp tục cải cách hơn nữa mới có thể đạt mục tiêu đặt ra cũng như đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN.
Theo kết quả khảo sát, việc tiếp cận các văn bản pháp luật và chính sách thuế đối với DN mới chỉ ở mức độ nhất định. Cụ thể, cứ 2 DN điều tra thì có 1 DN cho biết có thể tiếp cận dễ dàng văn bản pháp luật, chính sách thuế của Trung ương (51%) hay văn bản hướng dẫn của các bộ ngành (54%), bất kể nguồn vốn chủ sở hữu, quy mô doanh thu hay ngành nghề.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, điều này cho thấy, DN vẫn cần có thêm nhiều kênh cung cấp thông tin về các chính sách thuế hiệu quả hơn, dễ dàng hơn, đặc biệt trong bối cảnh các quy định, chính sách của ngành thuế ngày càng nhiều và phức tạp. Các DNNN, DN FDI dễ tiếp cận văn bản thuế hơn các DN dân doanh. Những DN có quy mô doanh thu nhỏ thường khó tiếp cận văn bản, chính sách thuế hơn những DN có quy mô lớn.
Kết quả khảo sát về chất lượng thông tin về thủ tục hành chính thuế DN được tiếp cận, mặc dù được DN đánh giá là tương đối tốt, song theo nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, vẫn còn không ít không gian ngành thuế phải cải cách trong lĩnh vực này. Cụ thể, bên cạnh kết quả tương đối tích cực là 79% DN cho biết thông tin về thủ tục hành chính thuế là sẵn có, dễ tìm và thống nhất, chỉ có 58% DN cho rằng các thông tin về thủ tục hành chính là đơn giản và dễ hiểu. Trong đó, DN FDI có mức độ hài lòng thấp nhất về thông tin cũng như quá trình tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính từ cơ quan thuế.
Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm từ kết quả khảo sát là trung bình cứ 10 DN thì có tới 7 DN cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế. Khi gặp vướng mắc, có tới 92% DN gửi câu hỏi tới cục thuế các tỉnh, trong đó, tỷ lệ hài lòng với các giải đáp vướng mắc của cơ quan này là 77%.
Liên quan tới công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN cũng như công tác giải quyết khiếu nại, kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù lĩnh vực này đã có sự cải thiện song vẫn là gánh nặng khá lớn đối với nhiều DN. Theo đó, có trung bình trên một nửa các DN tham gia khảo sát cho biết, DN bị thanh, kiểm tra thuế trong năm 2014. Trong đó đáng chú ý, các DN có quy mô doanh thu càng lớn, thì khả năng bị thanh tra, kiểm tra thuế càng cao.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, theo lĩnh vực hoạt động, DN khai khoáng có tỷ lệ bị thanh, kiểm tra thuế cao nhất, tiếp đến là DN trong lĩnh vực xây dựng.
Theo ông Tuấn, về cơ bản các DN đánh giá công tác thanh, kiểm tra đã chuyển biến theo hướng khá tích cực. Điều này thể hiện ở kết quả khảo sát khi trung bình có 90% DN bị thanh, kiểm tra thuế đồng ý với nhận định thời gian thanh, kiểm tra đúng với thời gian trong quyết định thanh, kiểm tra đã ban hành.
Cũng có khoảng 80% DN cho biết, thái độ của cán bộ thuế đúng mực trong các lần làm việc tại DN và 87% DN bị thanh, kiểm tra nói rằng họ luôn được giải trình với đoàn thanh, kiểm tra về những vấn đề còn chưa rõ trước khi có kết luận thanh, kiểm tra.
“Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra thuế DN cũng cần có sự cải thiện nhiều hơn nữa, khi có tới 25% DN cho biết nội dung thanh, kiểm tra thuế còn trùng lặp, đặc biệt vẫn còn tới 26% DN cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức trong các lần thanh, kiểm tra thuế và 32% DN bị kiểm tra cho biết, cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh, kiểm tra của cán bộ thuế luôn có xu hướng suy diễn bất lợi cho DN”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về công tác giải quyết khiếu nại, kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 63% DN cho biết chưa từng khiếu nại cơ quan thuế do không phát sinh vấn đề cần khiếu nại. Tuy nhiên, đáng chú ý là với những DN đã có vấn đề cần khiếu nại nhưng không tiến hành khiếu nại, lý do chính mà họ đưa ra là những rủi ro sau này có thể xảy ra và sự tốn kém về thời gian.
“Điều này cho thấy các DN chưa thực sự tin tưởng vào kết quả việc khiếu nại cũng như lo ngại về những rủi ro mà họ có thể sẽ gặp phải nếu như khiếu nại đến cơ quan và cán bộ thuế. Do đó, công tác thông tin tuyên truyền cũng như công tác giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế cần tập trung xóa bỏ những lo ngại này của các DN”, ông Tuấn nói.
“Sẽ quản lý thuế theo cơ chế quản lý rủi ro” Ông Nguyễn Đại Chí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Trong năm 2015, để việc cải cách thuế được thiết thực, hiệu quả, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cơ quan thuế các cấp, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thuế, đồng hành cùng DN. Theo đó, Tổng cục Thuế đã rà soát và sửa đổi, bổ sung 26/30 quy trình, quy chế liên quan đến việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của người nộp thuế; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ người nộp thuế khai thuế điện tử (đến nay đạt trên 97%), nộp thuế điện tử (đến 5/8/2015, số DN đăng ký đạt 80%, số DN thực hiện giao dịch đạt trên 62%); đồng thời, cơ quan thuế cũng đang tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để hỗ trợ cho công tác quản lý thuế theo cơ chế quản lý rủi ro, hạn chế việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp; phấn đấu thực hiện 90% hồ sơ hoàn thuế được giải quyết đúng thời hạn quy định; 90% hồ sơ khiếu nại về thuế thực hiện đúng thời gian… |
“Cần cải cách thủ tục hành chính làm sao để nâng cao sức cạnh tranh của DN” Ông Vũ Quốc Tuấn, Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Kết quả khảo sát trên đã phản ánh tương đối khách quan thực tế hiện nay, đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục có những cải cách các thủ tục này. Nhiều ý kiến cho rằng, DN thờ ơ, không quan tâm đến nhiều vấn đề về thuế, thể hiện ở việc nhiều câu hỏi không được trả lời khi khảo sát. Với tư cách là nhà nghiên cứu, tôi cho rằng, vấn đề chính là cơ quan nhà nước chứ không phải là lỗi của DN. Tại sao DN thờ ơ? Phải chăng, vì họ nói nhiều mà cơ quan nhà nước sửa và tiếp thu chẳng bao nhiêu; nghị định thông tư vẫn trong tình trạng xin bảo lưu như cũ; năm nào cũng có đối thoại với DN song kết quả chuyển biến không nhiều... Mới đây mới có sự cải thiện vượt bậc phải chăng phải có sự can thiệp vượt tuyến trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ mới có sự chuyển biến đột phá về cải cách. Theo tôi, đây là vấn đế chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc hơn, để rút ra kết luận và bài học cho thời gian tới. Sắp tới, Việt Nam sẽ ký và thực thi nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Khi đó, các DN trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với nhiều DN ngoại. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ vấn đề lớn hơn là chính sách thuế có điều nào phù hợp và chưa phù hợp, thuế suất chỗ nào được, chỗ nào chưa được so với khu vực và thế giới, để làm sao nâng cao sức cạnh tranh của DN. |