Năm 2015 có nhiều thay đổi về các quy định liên quan đến kế toán và thuế, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN. Theo ông, DN cần nắm bắt vấn đề này như thế nào?
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã đẩy mạnh công tác cải cách chính sách và thủ tục hành chính về thuế thông qua việc ban hành các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn cho nhiều sắc thuế khác nhau.
Về phía DN, việc áp dụng Luật sửa đổi một số điều Luật Thuế, cũng như các văn bản sửa đổi dưới luật, song song với việc áp dụng các quy định mới về kế toán, cũng phát sinh những khó khăn nhất định.
Kế toán ở DN phải tuân thủ trên nhiều phương diện, từ hóa đơn chứng từ, cách xử lý ghi nhận nghiệp vụ kinh tế, đến ghi nhận doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), kê khai nhiều loại thuế tại các thời điểm khác nhau… cũng khá phức tạp, nên việc có phát sinh sai sót là không tránh khỏi.
Một số sai sót về thuế thường phát sinh ở các DN, dẫn đến việc cơ quan thuế có thể tính toán lại và truy thu, phạt thuế, là khác biệt trong thời điểm ghi nhận doanh thu tính thuế GTGT và tính thuế TNDN; chi phí khuyến mại, quảng cáo không đăng ký với Sở Công thương; chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN; chi phí không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ…
Do vậy, đội ngũ kế toán của DN phải thường xuyên cập nhật, hiểu rõ các quy định mới thông qua việc nghiên cứu văn bản, tham khảo cách xử lý nghiệp vụ từ bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ DN ở các cục thuế địa phương hoặc các công ty tư vấn thuế.
Gần đây, sau thanh kiểm tra, nhiều DN bị truy thu và phạt thuế rất lớn. DN cần làm gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
Việc tuân thủ toàn bộ các quy định về quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn mua bán; lập và lưu trữ đầy đủ chứng từ, hồ sơ gốc theo nghiệp vụ phát sinh; kê khai đúng và đủ các loại thuế... là những điều kiện tiên quyết giúp các DN hạn chế phần lớn các sai sót có thể xảy ra, dẫn đến việc bị thanh tra truy thu thuế sau này.
Các chính sách thuế mà DN chưa hiểu rõ hoặc phân vân khi áp dụng phải tham khảo hướng dẫn của cơ quan thuế hoặc các công ty tư vấn để áp dụng đúng từ đầu.
Nhiều DN tự tin vào hệ thống, đội ngũ kế toán tốt nhưng không thể không xảy ra sai sót phát sinh. Bên cạnh đó, DN cũng nên có thói quen thực hiện tự soát xét công tác kế toán thuế định kỳ, hoặc thuê các công ty tư vấn thực hiện việc soát xét độc lập.
Nhiều cổ đông của các DN lo lắng, nếu công ty không quyết toán thuế trong thời gian dài có thể có những sai sót không được phát hiện kịp thời, dẫn đến bị phạt, truy thu lớn khi cơ quan thuế vào thanh kiểm tra. Đây có phải là vấn đề đáng lo ngại không, thưa ông?
Theo quy định mới nhất tại Luật Quản lý thuế, thời hiệu áp dụng thanh kiểm tra thuế và truy thu, phạt thuế là 10 năm; lãi chậm nộp là 18,25%/năm, dẫn đến rủi ro rất lớn nếu DN không thường xuyên tự rà soát công tác kế toán.
Do đó, DN cần nâng cao tính tuân thủ các quy định về thuế, thường xuyên soát xét để chỉnh lý kịp thời, đặc biệt là hồ sơ chứng từ không để quá thời hạn xử lý, tránh trường hợp cơ quan thuế vào thanh kiểm tra, phát hiện có sai sót sẽ bị truy thu và phạt rất lớn.
Ông đánh giá như nào về công tác thanh kiểm tra của cơ quan thuế hiện nay?
Đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra của các cục thuế địa phương trong những năm qua luôn được bồi dưỡng, trao dồi nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chuyên môn.
Tùy thuộc vào đối tượng DN trên địa bàn quản lý, cán bộ thanh tra thuế còn được đào tạo theo nhóm ngành chuyên biệt như bất động sản, thương mại, sản xuất..., bởi mỗi ngành nghề sẽ có những đặc trưng nghiệp vụ và rủi ro khác nhau.
Cơ quan thuế cũng đang áp dụng hiệu quả cơ chế đánh giá rủi ro DN để xác định tốt hơn các đối tượng được thanh tra theo ngành nghề, theo chủ đề, theo sắc thuế, giúp việc lập kế hoạch và thực hiện thanh tra sâu sát và hiệu quả cao hơn.
Kế hoạch năm 2015 của toàn ngành thuế là thực hiện thanh kiểm tra 71.700 DN, tăng thu thuế khoảng 12.500 tỷ đồng và kiểm tra 100% sau hoàn thuế. Tính tới hết tháng 4/2015, toàn ngành thuế mới chỉ thực hiện được chưa tới 20% kế hoạch năm.
Với tình trạng nợ thuế có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai..., cơ quan thuế đã đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, sẽ tăng cường và thường xuyên thực hiện đánh giá rủi ro DN để xác định thêm, tập trung vào đối tượng DN thuộc các ngành, lĩnh vực thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề như kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, kinh doanh thiết bị y tế, thiết bị khoa học kỹ thuật…; các DN được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế; đặc biệt tập trung thanh tra đối với các DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm giúp DN giảm thiểu các sai sót và phạt vi phạm thuế?
Bên cạnh việc thường xuyên tự rà soát, việc sử dụng các công ty tư vấn bên ngoài là xu hướng tích cực mà các DN đang áp dụng.
Với việc áp dụng các phương pháp nghiệp vụ tương tự thanh tra thuế, tập trung vào các nghiệp vụ phát sinh rủi ro, đội ngũ chuyên viên tư vấn thuế sẽ trợ giúp DN thực hiện kiểm tra tình hình tuân thủ, tư vấn các giải pháp khắc phục, để giảm thiểu tối đa các sai sót đã phát sinh; cũng như tư vấn cho DN hoàn thiện quy trình trong nội bộ, nâng cao trình độ của đội ngũ kế toán, hạn chế các sai sót không xảy ra trong tương lai.
Một số doanh nghiệp bị truy thu thuế gần đây -CTCP Cơ Khí và Xây Dựng Bình Triệu (BTC) mới đây thông báo về việc hoãn chi trả cổ tức đợt 3/2014. Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, BTC đã quyết định việc chi trả cổ tức đợt 3/2014 cho cổ đông với ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 24/6 và cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 50% sẽ được thanh toán vào ngày 9/7. Tuy nhiên, việc thông báo truy thu tiền thuê đất của Chi cục thuế Bình Thạnh với số tiền quá lớn là 15,45 tỷ đồng, vượt khả năng chi trả của Công ty nên HĐQT đã thông báo tạm dừng việc chi trả cổ tức trên cho đến khi làm rõ các số liệu truy thu với Chi cục thuế Bình Thạnh. - Thanh tra thực hiện nghĩa vụ thuế thời kỳ năm 2009-2012, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định truy thu CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) 74,9 tỷ đồng do khai giảm 50% ưu đãi niêm yết năm 2009-2010; phạt do chậm nộp thuế và vi phạm hành chính 42,1 tỷ đồng. BMP sau đó đã tạm nộp 75 tỷ đồng truy thu thuế và khiếu nại tới Tổng cục Thuế. Phán quyết của Tổng cục Thuế sau đó là giữ nguyên quyết định truy thu 75 tỷ đồng, không phạt chậm nộp thuế. -Năm 2010, Cục Thuế TP. Hà Nội tiến hành thanh tra thuế tại CTCP Sông Đà 909 (S99) và đi đến kết luận: không chấp nhận điều kiện ưu đãi giảm 50% số thuế TNDN phải nộp năm 2009 do S99 niêm yết lần đầu (giai đoạn 2004 - 2006), dẫn đến tăng số thuế TNDN phải nộp là hơn 2,77 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả thanh tra này, Cục Thuế TP. Hà Nội ra quyết định truy thu thuế TNDN đối với S99 là hơn 2,77 tỷ đồng. - Cục Thuế Hà Nội có quyết định xử lý vi phạm hành chính về thuế đối với CTCP Đầu tư PV2 (PV2). Theo đó, PV2 bị truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân tăng thêm qua thanh tra, thời kỳ thanh tra năm 2008 đến năm 2012 với số tiền 974,42 triệu đồng. |