Cập nhật chính sách thuế, doanh nghiệp phải chủ động

(ĐTCK) Số trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế, tương ứng là số thuế và phạt truy thu doanh nghiệp tăng mạnh trong giai đoạn 2007 – 2014 đặt các doanh nghiệp trước yêu cầu phải chủ động cập nhật, nắm vững các chính sách thuế.
Cập nhật chính sách thuế, doanh nghiệp phải chủ động

Sẽ tăng cường công tác thanh tra thuế tại DN

Tại Hội thảo “Cập nhật những thay đổi trong quy định về thuế và kế toán 2015” do Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte và Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức mới đây, các diễn giả đã dẫn ra con số đáng chú ý. Đó là năm 2007, số trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế là 31.674, thì đến năm 2014 là 67.814 trường hợp. Số thuế và phạt truy thu phải nộp năm 2007 là 2.583 tỷ đồng thì năm 2014 lên tới 12.212 tỷ đồng.

Thuế là phần đóng góp quan trọng cho thu ngân sách. Trong đó, năm 2014, chỉ tiêu thu là 624.200 tỷ đồng, kết thúc năm tổng thu ngân sách đạt 680.506 tỷ đồng, đạt 109,1% chỉ tiêu ngân sách. Đến năm 2015, chỉ tiêu thu ngân sách là 731.600 tỷ đồng, xấp xỉ 107,5% số thực thu năm 2014.

Liên quan đến xu hướng thanh tra thuế trọng điểm năm 2015, các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp nhiều điểm; trong đó có chỉ tiêu mà ngành này đặt ra là thực hiện vượt định mức 8-10% (tăng 16-18% so với năm 2014); thực hiện kiểm tra, soát xét 14,65% các đối tượng nộp thuế doanh nghiệp đang hoạt động.

Thực hiện kiểm tra sau hoàn thuế đối với 100% đối tượng đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng; tăng cường kiểm soát và giám sát các đối tượng nộp thuế từ đầu năm, đặc biệt các đối tượng nộp thuế nhạy cảm (nhà hàng, khai thác tài nguyên khoáng sản)…

Trọng điểm kiểm tra, thanh tra thuế năm 2015 sẽ tập trung vào các doanh nghiệp và ngành công nghiệp tiêu biểu. Chẳng hạn, các doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế VAT với số tiền lớn, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp có rủi ro về thuế nhà thầu, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá (đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), doanh nghiệp chưa được kiểm tra thuế trong thời gian dài và doanh nghiệp liên quan đến một số ngành công nghiệp như thương mại điện tử, bảo hiểm, quảng cáo, tài chính… 

4 vấn đề thanh kiểm tra hải quan cần chú ý

Tại Hội thảo, bà Vũ Ngọc Anh, Trưởng phòng Tư vấn thuế Deloitte, cũng lưu ý các doanh nghiệp 4 vấn đề khi thanh kiểm tra hải quan, bao gồm phân loại mã số hải quan, trị giá hải quan, định mức nguyên liệu và áp dụng ưu đãi thuế.

Trên thực tế, việc xác định sai mã số hải quan dẫn đến rủi ro bị phân loại lại và truy thu thuế nhập khẩu, kể cả khi đã có chứng thư giám định của trung tâm phân tích và phân loại, vẫn có rủi ro áp dụng sai mã số hải quan.

Liên quan đến trị giá hải quan, các khoản thanh toán sau khi nhập khẩu có thể phải cộng vào trị giá tính thuế nếu có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và là một điều kiện cho việc nhập khẩu hàng hóa, ví dụ phí bản quyền, phí giấy phép… Các khoản giảm giá không thỏa mãn điều kiện được điều chỉnh giảm sẽ bị cộng gộp vào trị giá dẫn đến phát sinh tăng nghĩa vụ thuế nhập khẩu.

Về định mức nguyên liệu, chênh lệch giữa tồn kho thực tế và tỷ lệ hao hụt đăng ký với cơ quan hải quan rủi ro cao, dẫn đến việc truy thu thuế nhập khẩu của các nguyên vật liệu và phần vượt quá tỷ lệ đăng ký.

Liên quan đến áp dụng ưu đãi thuế, các thay đổi và điều chỉnh giấy phép đầu tư của doanh nghiệp có thể dẫn đến các thay đổi liên quan đến ưu đãi về thuế nhập khẩu. Không đăng ký đầy đủ danh mục miễn thuế, hàng hóa nhập khẩu miễn thuế sử dụng không đúng mục đích có thể dẫn tới rủi ro về ưu đãi thuế nhập khẩu.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý quy định mới về các thủ tục hải quan tại Thông tư 38/2015/TT-BTC áp dụng cơ chế quản lý theo phân loại rủi ro. Trước 2015, cơ quan hải quan phân hạng doanh nghiệp thành 7 hạng: gồm hạng 1: DN ưu tiên; hạng 2 là DN có rủi ro rất thấp; hạng 3 là DN có rủi ro thấp; hạng 4 là DN rủi ro trung bình; hạng 5 là DN có rủi ro cao; hạng 6 là DN có rủi ro rất cao; hạng 7 là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh dưới 365 ngày. Từ 2015, cơ quan hải quan phân hạng doanh nghiệp thành 3 hạng, trong đó hạng 1 là các DN ưu tiên, hạng 2 là DN tuân thủ và hạng 3 là DN không tuân thủ.

Việc trở thành DN ưu tiên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho DN. Đó là miễn kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, được sử dụng bộ chứng từ do doanh nghiệp tự xác nhận để thông quan khi phần mềm hải quan gặp sự cố; được đăng ký tờ khai hải quan một lần đối với một số trường hợp như nhập khẩu từ kho ngoại quan, xuất nhập khẩu tại chỗ; được ưu tiên áp dụng cơ chế hoàn thuế trước, kiểm tra sau; không bị kiểm tra sau thông quan trong suốt thời gian áp dụng DN ưu tiên; không bị phạt chậm nộp và phạt vi phạm hành chính trong trường hợp phân loại lại mã số hồ sơ.

Hạnh Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục