Mở đầu cuộc hội thảo “Vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế”, một hoạt động trong chuỗi các sự kiện của HOSE kỷ niệm 15 năm thành lập TTCK, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM (HOSE) phát biểu: "Đáng quan ngại nhất là những nhìn nhận chưa đúng về vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế".
Theo HOSE, trong 15 năm qua, Sở đã không ngừng đổi mới, nỗ lực phấn đấu để gia tăng quy mô và nâng cao chất lượng thị trường, thể hiện qua hơn 300 công ty niêm yết, với giá trị vốn hóa trên dưới 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 25% GDP; gần 90 công ty chứng khoán thành viên, hơn 1,6 triệu tài khoản nhà dầu tư và giá trị giao dịch bình quân ngày gần 2.100 tỷ đồng trong năm 2014.
Bình quân các công ty niêm yết tăng gấp đôi vốn điều lệ sau khi niêm yết, một số công ty có mức tăng vốn điều lệ 15 lần. Các công ty trong VN30 có mức tăng vốn điều lệ trung bình 58%/năm, trong khi tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng là 25%/năm.
Từ 2008 đến nay, số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 37%, bình quân tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài luôn chiếm 18% tổng giá trị giao dịch, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lượng cổ phiếu tại các công ty niêm yết tương đương khoảng 23% vốn hóa thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ đạo và quan trọng trong huy động vốn cho cả nền kinh tế. Tổng vốn huy động bình quân hàng tháng năm 2014 của các ngân hàng và tổ chức tín dụng đạt khoảng 4,7 triệu tỷ đồng, cung ứng khoảng 3,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Đây là một hạn chế trong phát triển 2 trụ cột của thị tài chính.
Lượng vốn huy động thông qua TTCK tăng dần và lượng vốn thông qua ngân hàng đang giảm dần, nhưng tỷ trọng này vẫn chưa đạt, bởi dòng vốn từ ngân hàng vẫn chiếm gấp đôi dòng vốn từ thị trường vốn là cổ phiếu và trái phiếu. Quy mô cung ứng vốn của thị trường tiền tệ của Việt Nam vẫn cao so với trong khu vực.
Theo ông Long, Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBCK, nền kinh tế dựa nhiều vào vốn tín dụng thì tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Trong bối cảnh của thị trường Việt Nam chúng ta phải nhìn nhận vai trò của TTCK nhiều hơn”, ông Long nói và cho biết, các nhà khoa học kinh tế đã tổng kết, các nền kinh tế dựa vào vốn tín dụng thì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Còn dòng vốn trên TTCK là dòng vốn thông minh, sẽ chảy vào các lĩnh vực tiềm năng của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp phải hiệu quả, sáng tạo hơn để thu hút vốn đầu tư.
Lý giải về thêm vế lý chênh lệch quy mô cung ứng vốn của 2 trụ cột tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, chúng ta là một trong số ít nước đánh thuế tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, trong khi lại duy trì lãi suất thực dương và không đánh thuế.
“Phải chăng chúng ta muốn định hướng dòng tiền nhàn rỗi của người dân vào ngân hàng, rồi dùng ngân hàng để dẫn dòng vốn chảy vào các lĩnh vực của nền tế?”, ông Hưng đặt câu hỏi và cho biết, đã đến lúc các nhà làm tài chính kiến nghị Chính phủ cần có thay đổi về chính sách này để thị trường chứng khoán phát triển.