Nhật Bản, nhà đầu tư được miễn thuế - Việt Nam, lỗ vẫn phải nộp thuế

(ĐTCK) Tuy trình độ phát triển của TTCK đã đạt tầm cỡ hàng đầu thế giới, nhưng Nhật Bản vẫn áp dụng chính sách miễn thuế cho NĐT nhỏ lẻ nhằm kích thích dòng vốn tiết kiệm từ các gia đình tham gia đầu tư vào TTCK thông qua mua cổ phiếu, đầu tư vào các quỹ tín thác.
Nhật Bản, nhà đầu tư được miễn thuế - Việt Nam, lỗ vẫn phải nộp thuế

Kinh nghiệm đáng học hỏi trên cho Việt Nam, được ông Kiyoshi Hosomizo, Chủ tịch cơ quan các dịch vụ tài chính Nhật Bản, chia sẻ tại Hội nghị sáng kiến quản trị công ty Đông Nam Á lần thứ 2, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức đang diễn ra.

Ông Kiyoshi Hosomizo cho hay, để thúc đẩy thị trường tài chính, TTCK phát triển, Chính phủ Nhật Bản triển khai Chương trình tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon, để huy động nguồn tiền tiết kiệm của các gia đình, vốn phần lớn đang gửi tại hệ thống ngân hàng tham gia đầu tư vào TTCK.

Tính đến tháng 3/2014, tổng lượng tiền mà các gia đình Nhật Bản tiết kiệm được khoảng 1,6 nghìn tỷ Yen, trong đó 53% gửi vào ngân hàng (tỷ lệ này ở các quốc gia châu Âu trung bình là 13,5%), đầu tư vào các quỹ đầu tư chỉ chiếm 13,7%.

Với điểm nhấn là miễn thuế cho phần lợi tức mà NĐT nhận được khi tham gia đầu tư trên TTCK, đến cuối năm 2014, số tài khoản tham gia Chương trình tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon đạt 8 triệu tài khoản, với tổng giá trị đầu tư 3.000 tỷ Yen.

Chia sẻ chi tiết hơn về chính sách miễn thuế trên, ông Kenji Okamura, đến từ Ủy ban quản trị DN Nhật Bản, cho biết, về nguyên tắc, NĐT có thu nhập là phải chịu thuế. Tuy nhiên, Nhật Bản đặt ra ngưỡng, nếu các gia đình đầu tư tối đa 1 triệu Yen/năm để mua cổ phiếu, đầu tư vào các quỹ tín thác và có thu lời từ cổ tức, thì được miễn thuế.

Khoản thu nhập có được từ nguồn vốn đầu trên 1 triệu Yen mới phải chịu thuế. Nhờ chương trình kích thích này, mà đến nay các gia đình Nhật Bản đầu tư vốn nhiều hơn vào TTCK, thay vì chủ yếu gửi ngân hàng như trước.

Với Việt Nam, tuy TTCK vẫn trong giai đoạn phát triển ban đầu và hiện đối mặt với nhiều khó khăn do sức cầu yếu, nhưng một chính sách ưu đãi thuế tương tự như Nhật Bản không những không được triển khai, mà ngược lại với chính sách thuế hiện hành, NĐT thua lỗ còn phải nộp thuế.

Từ hai bức tranh đối nghịch như vậy để thấy, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ TTCK Việt Nam phát triển chưa thấm tháp gì so với cách thức mà nhiều TTCK có trình độ phát triển tương đương Việt Nam, chứ chưa dám so sánh với các TTCK rất phát triển, đang triển khai.

Điều đó đồng nghĩa còn nhiều việc mà các cơ quan quản lý Việt Nam nên quan tâm triển khai trong thời gian tới, tương tự như cách mà các TTCK trên thế giới đã triển khai, chứ không cần quá tốn công tìm tòi, nếu không muốn TTCK Việt Nam chậm chân. Nhất là khi cuộc đua thu hút các dòng vốn đầu tư đang diễn ra ngày một gay gắt, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay đang cận kề.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục