Để thực hiện khảo sát, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tiến hành xây dựng bộ chỉ số đánh giá hài lòng của doanh nghiệp với cải cách thủ tục hành chính thuế tại cấp địa phương với 5 lĩnh vực được đánh giá bao gồm: (1) Tiếp cận thông tin về pháp luật, thủ tục hành chính thuế; (2) Thực hiện thủ tục hành chính thuế; (3) Công tác thanh kiểm tra thuế; (4) Sự phục vụ của công chức thuế và (5) Kết quả giải quyết công việc.
Chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế tại tỉnh trung vị năm 2014 là trên 71% theo thang điểm 100.
Theo kết quả khảo sát, về hạng mục tiếp cận thông tin thuế, kết quả cho thấy, việc tiếp cận văn bản pháp luật và chính sách thuế đối với doanh nghiệp mới chỉ ở mức độ nhất định. Trung bình, cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế.
Đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế, gần một nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, từng gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.
Hai nhóm thủ tục mà doanh nghiệp đang gặp phiền hà lớn nhất là đăng ký thuế/thay đổi thông tin đăng ký thuế và khai thuế. Đa số các doanh nghiệp cho biết, phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi.
Những phiền hà lớn khác bao gồm cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hoặc thời gian giải quyết quá dài.
Liên quan công tác thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, báo cáo đã chỉ ra rằng, trung bình có 52% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có tiếp đón thanh kiểm tra thuế trong năm 2014.
90% doanh nghiệp có đón tiếp đoàn thanh kiểm tra thuế đồng ý với nhận định rằng, thời gian thanh kiểm tra đúng với thời gian trong quyết định thanh, kiểm tra đã ban hành.
Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết thái độ của cán bộ thuế đúng mực trong các lần làm việc tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhóm khảo sát, công tác thanh kiểm tra thuế doanh nghiệp cũng cần cải thiện, khi có 25% doanh nghiệp cho biết nội dung thanh, kiểm tra thuế còn trùng lặp.
Phản ánh thái độ của DN về sự phục vụ của công chức thuế, báo cáo cho biết, 53% doanh nghiệp đồng ý cho rằng, công chức thuế có thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mực, tôn trọng doanh nghiệp. 52% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tốt về chuyên môn nghiệp vụ của công chức thuế trong kê khai, quyết toán thuế.
Trong lĩnh vực tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và quản lý, cưỡng chế nợ và thanh kiểm tra, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt lần lượt là 47% và 48%.
Trung bình có 32% các doanh nghiệp cho biết, họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Khoảng 40% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí không chính thức.
Đánh giá tác động của những thay đổi pháp luật thuế trong 5 năm qua đối với môi trường kinh doanh, 92% doanh nghiệp cho biết, pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế mà tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất.
Báo cáo nghiên cứu này tổng hợp kết quả của cuộc khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế năm 2014.
Với hơn 2.500 doanh nghiệp tham gia từ đủ 63 tỉnh thành phố của Việt Nam, theo VCCI, đây là cuộc khảo sát trên diện rộng đầu tiên trong lĩnh vực thuế, tuy nhiên mới giới hạn ở các doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức - nhóm tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số người nộp thuế, nhưng lại là lực lượng chủ yếu đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Các đối tượng nộp thuế quan trọng khác như hộ kinh doanh, hợp tác xã, các cá nhân nộp thuế khác… không nằm trong diện điều tra này.