Thách thức mới của nền kinh tế

Dù kịch bản chính thức về những tác động của dịch cúm do virus Corona tới kinh tế Việt Nam vẫn đang được xây dựng, nhưng nhiều dự báo cho thấy, đại dịch toàn cầu này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam trong năm 2020.
Thách thức mới của nền kinh tế

Xuất khẩu, du lịch bắt đầu “hắt hơi”

Hàng trăm xe container chở rau quả, đặc biệt là thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc, vẫn đang nằm chờ ở vùng biên. Hàng ngàn tấn thanh long có nguy cơ bị đổ bỏ và giá cả mặt hàng này đang xuống dốc không phanh, từ 37.000 đồng/kg xuống chỉ còn vài ngàn đồng/kg.

Việc Trung Quốc và Việt Nam quyết định ngừng giao thương hàng hóa để hạn chế dịch bệnh do virus Corona lây lan đã ngay lập tức khiến xuất khẩu nông sản của Việt Nam đình trệ, thiệt hại được cho là không nhỏ. Và không chỉ là xuất khẩu, dịch bệnh cũng đang ảnh hưởng khá mạnh tới ngành du lịch, khi mà các chuyến bay tới Trung Quốc đều đã dừng hoạt động.

“Các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, lưu trú, hàng không, xuất nhập khẩu”, Công ty Chứng khoán VNDIRECT trong báo cáo vừa được công bố ngày 3/2 đã nhận định như vậy.

Trung Quốc là một thị trường quan trọng của Việt Nam. Năm 2019, trong số hơn 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, có hơn 5 triệu lượt du khách Trung Quốc, tăng 16,9% so với năm 2018. Trong khi đó, về thương mại, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 41,41 tỷ USD và nhập từ thị trường này 75,45 tỷ USD, nhập siêu tới trên 34 tỷ USD.

Dịch bệnh đang bắt đầu khiến các ngành kinh tế này của Việt Nam “hắt hơi”. Những ảnh hưởng cụ thể sẽ được chứng minh qua con số thống kê được công bố vào cuối tháng 2 này.

Nỗi lo không chỉ nằm ở xuất khẩu hay du lịch, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dịch bệnh sẽ tác động tới toàn nền kinh tế, không chỉ là kinh tế Việt Nam, mà còn kinh tế toàn cầu, khác hẳn với dịch SARS năm 2003.

Các chuyên gia của Bloomberg cho rằng, dịch SARS đã từng khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỷ USD nào năm 2003, nhưng virus Corona còn có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại gấp 3-4 lần mức ấy. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 17 năm qua và càng ngày, kinh tế toàn cầu càng phụ thuộc vào nền kinh tế này.

Trung Quốc được xem là công xưởng của thế giới, chiếm 1/6 tổng quy mô sản xuất toàn cầu và là nơi đặt nhà máy của các tập đoàn lớn, nơi cung ứng một lượng nguyên vật liệu khổng lồ cho các nhà máy trên toàn thế giới. Vì thế, nguy cơ “đứt quãng” chuỗi cung ứng toàn cầu đã được nhắc đến và nếu điều này xảy ra, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất - kinh doanh của Việt Nam. Hiện sản xuất của Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tổng số 36,75 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của năm 2019, thì có tới 14,9 tỷ USD có xuất xứ từ Trung Quốc. Tương tự, năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu 24,13 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày, thì phân nửa (11,52 tỷ USD) là từ Trung Quốc. Tỷ lệ với các mặt hàng điện thoại và linh kiện là 7,58 tỷ USD/14,62 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo là 3,99 tỷ USD/15,53 tỷ USD…

“Những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất bao gồm dệt may, điện tử, tiêu dùng, thép dẹt... Tuy nhiên, việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này có thể chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát”, các chuyên gia của VNDIRECT nhận định.

Ngoài ra, khi các nhân viên Trung Quốc chưa thể quay trở lại Việt Nam làm việc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà máy ở Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã có khoảng 91.500 công dân Trung Quốc được cấp phép làm việc ở Việt Nam tính tới trước Tết Nguyên đán. Ít nhất 40% trong số này đã trở về Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết. Hiện một số nhà máy, gồm cả Liên hợp Thép Formosa, chưa sẵn sàng tiếp nhận số công nhân này quay trở lại làm việc.

Thách thức cho nền kinh tế

Kinh tế Việt Nam đã bước vào năm 2020 với sự hứng khởi từ những thành quả đạt được của năm 2019. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là năm đầy khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam.

Những chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1/2020 đã phần nào cho thấy điều này. Dù ở vào thời điểm này, nhận định như vậy có vẻ là khá sớm, bởi tháng 1 là tháng có các kỳ nghỉ Tết kéo dài, nên sản xuất - kinh doanh chậm lại là dễ hiểu.

Song không thể không lưu tâm khi tháng 1/2020, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 19,0 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng trước, giảm 14,3% so với cùng kỳ… Ngay cả sức mua của người tiêu dùng cũng tăng chậm lại, dù là tháng Tết, nhưng mức tăng chỉ là 10,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá chỉ còn tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%).

Có cùng nhận định, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, kinh tế 2020 vốn đã khó khăn, nay gặp dịch bệnh sẽ càng khó khăn hơn.

Dẫn dự báo của các chuyên gia quốc tế cho rằng, dịch bệnh do virus Corona có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm từ mức 6 điểm phần xuống còn 4 điểm phần trăm, chuyên gia Cao Viết Sinh cho rằng, quý I/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Do quý III, quý IV/2019, tăng trưởng GDP ở mức khá cao, nên tốc độ tăng trưởng của các quý này của năm 2020 cũng sẽ khó đạt được ở mức cao. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế trong năm 2020, khó có thể đạt được mức 7%”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Theo tính toán của các chuyên gia Chang Shu, Jamie Rush và Tom Orlik của Bloomberg, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể bị giảm 0,4 điểm phần trăm trong quý I năm nay.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục