Đánh giá gấp tác động của dịch, để có điều hành kịp thời

Có thể chưa thể đánh giá hết tác động của dịch cúm Corona đến kinh tế nước ta trong năm 2020, nhưng ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu tình hình kéo dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm.
Đánh giá gấp tác động của dịch, để có điều hành kịp thời

Cho tới thời điểm này, ông có thể đánh giá sơ bộ về những tác động của dịch cúm Corona tới kinh tế Việt Nam?

Dịch cúm Corona đã được tuyên bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Ngoài tác động về y tế, sức khỏe, chắc chắn nó sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế  thế giới và thương mại toàn cầu.

Kinh tế nước ta thuộc loại mở, hội nhập và kết nối hàng đầu trên thế giới và phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, nên tác động về kinh tế chắc chắn không nhỏ, cả trực tiếp và gián tiếp.

Cụ thể, những ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ gánh chịu tác động này, thưa ông?

Về tác động trực tiếp, trước hết phải nhắc tới du lịch.

Khách du lịch đến từ Trung Quốc sẽ giảm từ vài triệu lượt xuống còn mức không đáng kể. Bên cạnh đó, khách du lịch từ các nước khác vào nước ta cũng sẽ giảm đáng kể.

Vấn đề là, sự sụt giảm của du lịch sẽ làm giảm quy mô và tốc độ tăng trưởng của các ngành liên quan, như giao thông - vận tải, dịch vụ lưu trú, bán buôn, bán lẻ...

Trong số này, giao thông - vận tải và dịch vụ lưu trú, ăn uống chịu tác động lớn. Hiện nay, ngành vận tải và kho bãi đang đóng góp khoảng gần 3% GDP và khoảng 0,22 - 0,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP; dịch vụ lưu trú đóng góp gần 4% GDP và khoảng 0,25-0,3 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Nếu hai ngành này giảm, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Thứ hai, xuất khẩu sẽ giảm sút do cầu nhập khẩu giảm và do việc ngăn cản thông quan hàng hóa qua biên giới với Trung Quốc, nhất là xuất khẩu nông sản, để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, hầu hết nông sản xuất khẩu của nước ta đều trông sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu nông sản giảm sút mạnh chắc chắn gây tác động bất lợi lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại rau quả theo mùa vụ. Hiện nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp khoảng 14% GDP và khoảng 0,5 điểm phần trăm về tốc độ tăng trưởng GDP...

Còn các tác động gián tiếp như thế nào?

GDP thế giới giảm, với tính toán thiệt hại sơ bộ lên tới 160 tỷ USD, nên cầu xuất khẩu giảm, làm kim ngạch xuất khẩu của nước ta giảm.

Hệ lụy kéo theo là sự khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong các ngành, nghề trên, có thể dẫn tới khả năng thiếu việc làm, giảm thu nhập của nhiều lao động... Cầu tiêu dùng trong nước có thể sẽ bị ảnh hưởng theo hướng giảm, từ đó kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm...

Tình hình này còn tác động bất lợi đến tâm trạng đầu tư, làm thị trường chứng khoán suy giảm, thu hút vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp sẽ giảm.

Theo ông, tình hình sẽ thế nào nếu như dịch kéo dài...?

Quy mô và mức độ tác động hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch. Vào thời điểm này, có vẻ như đang trong giai đoạn tiến triển và rất khó khống chế trong quý I.

Giả sử nó kéo dài hết quý II, thì tốc độ tăng trưởng có thể bị giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, tác động còn lớn hơn. Hàng trăm ngàn, thậm chí có thể hơn triệu lao động bị mất việc, giảm việc, giảm thu nhập; hàng chục ngàn doanh nghiệp có thể phải giảm đầu tư kinh doanh, thậm chí phải đóng cửa, giải thể. Các cân đối lớn và nền tảng kinh tế vĩ mô có thể bị suy giảm. Tỷ lệ nghèo đói có thể tăng lên...

Không lẽ, nền kinh tế năm nay sẽ rơi vào thế bị động, thưa ông?

Tôi cho rằng, lúc này, Chính phủ, các bộ, ngành cần vào cuộc thực sự, cần có đánh giá nhanh,ngay trong tuần này, vì nó gắn với điều hành phát triển kinh tế - xã hội của năm nay.

Tôi cũng có một số đề xuất như sau.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương, nhất là các địa phương là trung tâm du lịch rà soát, đánh giá mức độ suy giảm kinh doanh của du lịch và các dịch vụ liên quan, tính toán mức độ thiệt hại; có giải pháp hoặc kiến nghị giải pháp hỗ trợ đối với ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ liên quan khác trên địa bàn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương có liên quan rà soát, đánh giá mức độ suy giảm xuất khẩu nông sản của nước ta sang Trung Quốc, xác định vùng bị thiệt hại, đối tượng bị thiệt hại, mức độ thiệt hại; có giải pháp hoặc kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp và nông dân bị thiệt hại. Cần thúc đẩy và tăng cầu nội địa.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, liên tục đánh giá tình hình và kết quả xuất khẩu, nhập khẩu, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn và các thị trường chủ yếu; kịp thời phát hiện và giải quyết/kiến nghị giải quyết các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và các dịch vụ hậu cần, logistics khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tập trung hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương giải quyết nhanh vướng mắc trong thủ tục thẩm định, phê duyệt, cân đối và bố trí đủ vốn trong năm cho các dự án đầu tư nói trên; khắc phục ngay sự chậm trễ trong khởi công các dự án hạ tầng quan trọng quy mô lớn nói riêng và giải ngân vốn đầu tư công nói chung.

Liên quan chính sách tài khóa, tiền tệ, cần tiếp tục điều hành linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt với kinh tế tư nhân, phải được triển khai nhanh hơn về tốc độ, lớn hơn về quy mô, quyết liệt hơn về mức độ.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục