Để doanh nghiệp nhỏ lớn dần

(ĐTCK) Thực tế nền kinh tế Việt Nam hiện nay cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để khu vực này tăng trưởng cả số lượng và chất lượng thì có rất nhiều việc cần làm ngay.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng đóng góp lớn cho ngân sách và nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm... Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng đóng góp lớn cho ngân sách và nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm...

Mỏng cả chất và lượng

Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm đa số (trên 90%) trong tỷ trọng doanh nghiệp ở cả ba nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và thương mại, dịch vụ.

Mặc dù chiếm ưu thế về số lượng (chiếm hơn 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động), nhưng tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm khoảng 40% tổng số tài sản cố định và đầu tư dài hạn của toàn bộ khối doanh nghiệp.

Sự liên kết của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Theo Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á, hiện nay mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia.

Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành sau một giai đoạn tích lũy ngắn ngủi, dựa vào vốn tự có và ít được Nhà nước hỗ trợ.

Quá trình phát triển theo mô hình tập đoàn của nhóm các tập đoàn kinh tế tư nhân hiện gặp phải một số khó khăn về quản trị, mô hình, do phần lớn phát triển từ quy mô doanh nghiệp gia đình.

Các liên kết trong mô hình tập đoàn còn khá đơn giản, chưa triển khai được các hình thức liên kết “mềm” khác thông qua thỏa thuận, hợp tác sử dụng thương hiệu, dịch vụ, kết quả nghiên cứu đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ chung trong tập đoàn theo nguyên tắc thị trường.

Lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân mới chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như dịch vụ, bất động sản…

Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh hiện nay, năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh của khu vực doanh nghiệp này là vấn đề cần phải lưu ý. 

Hạn chế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Phần khách quan do thực thi pháp luật của đội ngũ thừa hành công vụ còn không ít vấn đề (tham nhũng vặt, thiếu tinh thần phục vụ…), gây mất lòng tin, tạo ra rào cản sự phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phần lớn là do yếu tố chủ quan, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự tìm hiểu kỹ càng và vận dụng các chính sách, pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực trong kinh doanh, mạnh dạn thay đổi và chấp nhận sự thay đổi. 

Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng, thúc đẩy hình thành các Quỹ tài chính, khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn. Vậy nhưng, vẫn có tới 55% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp trở ngại do thủ tục vay (hồ sơ vay vốn không đảm bảo, không đủ điều kiện thế chấp như:  thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng trong kho, các khoản thu, hồ sơ tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tính minh bạch…).

Khó khăn nhất vẫn là thiếu vốn cho sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, chỉ có 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác (trong số này có nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao 15 - 18%/năm).

Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên về nguồn lực cho các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách này vẫn còn trong trạng thái “nửa vời” nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân của thực tế trên do nguồn lực hỗ trợ của chúng ta còn hạn chế, phân tán ở nhiều bộ, ngành khác nhau; thủ tục để thụ hưởng còn phức tạp.

Gỡ nút thắt thực thi pháp luật

Môi trường đầu tư, kinh doanh đã có những cải thiện đáng kể, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương đã và đang thực hiện và tìm kiếm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp, khi chúng ta triển khai thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn còn những khó khăn, tồn tại.

Trước hết, có thể thấy nỗ lực cải cách diễn ra không đồng đều giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành với nhau, mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương không đồng đều.

Địa phương nào lãnh đạo tỉnh tập trung dành nhiều thời gian, chỉ đạo quyết liệt, xây dựng kế hoạch bài bản, chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các sở, ngành, thì tại địa phương đó số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập và phát triển lâu dài, đạt tỷ lệ cao.

Ví dụ, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương là những tỉnh có nhiều điển hình tốt về các sáng kiến cải cách, gắn việc cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp.

Thứ hai, có những thủ tục chậm được cải cách, thậm chí doanh nghiệp không nhận thấy sự cải cách.

Ví dụ, thủ tục giải quyết vụ việc tranh chấp hợp đồng, tranh chấp thương hiệu, tranh chấp tài sản của thành viên công ty tại tòa án, thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp, thủ tục giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp theo quy định của Luật Khiếu nại hầu như không có sự cải cách, thậm chí còn phức tạp hơn và nhiều vụ việc không có giới hạn thời gian, đẩy doanh nghiệp vào thế “sức cùng lực kiệt”.

Niềm tin của doanh nghiệp về chất lượng cắt giảm các điều kiện kinh doanh còn rất thấp, 60% doanh nghiệp tỏ ra hoài nghi về chất lượng cắt giảm.

Thực tế, một số điều kiện kinh doanh cắt giảm, sửa đổi, nhưng không thật sự tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ví dụ: điều kiện kinh doanh cắt bỏ, nhưng lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi điều kiện kinh doanh với mục đích tránh gây sự chú ý; nhiều điều kiện kinh doanh hiện nay hoàn toàn lạc hậu so với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các dữ liệu đều chỉ ra doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng đóng góp lớn cho ngân sách và nền kinh tế, cũng như tạo ra nhiều công ăn việc làm ở các địa phương.

Kỳ vọng rằng, năm 2020 sẽ có nhiều nút thắt được tháo gỡ để khu vực này tiếp tục đà phát triển như tiềm năng nó vốn có.

Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (VINASME)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục