Đưa bảo lãnh tín dụng đến gần doanh nghiệp
Ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị định quy định rõ ràng về việc thành lập và tổ chức của quỹ bảo lãnh tín dụng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước “ngoài ngân sách” do UBND tỉnh, thành phố thành lập và được cấp vốn điều lệ từ ngân sách cấp tỉnh, tối thiểu 100 tỷ đồng. Nguyên tắc hoạt động của quỹ là “tự chủ về tài chính, bảo đảm an toàn vốn”.
Với những giới hạn trên, quỹ bảo lãnh tín dụng không phát huy một cách hiệu quả vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều doanh nghiệp than phiền rằng rất khó xin được bảo lãnh từ quỹ bảo lãnh tín dụng vì vốn của quỹ rất hạn chế và với nguyên tắc “bảo đảm an toàn vốn”, các quỹ bảo lãnh tín dụng cũng khắt khe không kém so với ngân hàng khi xét duyệt hồ sơ của các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi kiến nghị Chính phủ thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng Trung ương, đặt tại Hà Nội và có các trung tâm chi nhánh tại các tỉnh thành.
Vốn điều lệ phải là vốn từ ngân sách quốc gia, có sự đóng góp từ ngân sách địa phương và số vốn tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Với vốn tự có dồi dào Quỹ bảo lãnh tín dụng mới có thể bảo lãnh nhiều doanh nghiệp.
Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) có chức năng tương tự như quỹ bảo lãnh tín dụng của Việt Nam, nhưng được xây dựng là cơ quan liên bang và có ngân sách được Quốc hội Mỹ phê chuẩn hàng năm. SBA hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách rất hiệu quả, với việc bảo lãnh để các ngân hàng cho vay giới tiểu thương.
Nếu các doanh nghiệp được bảo lãnh mất khả năng trả nợ, SBA sẽ nhanh chóng bồi thường cho ngân hàng.
Nguyên tắc “bảo đảm an toàn vốn” cũng là một trở ngại lớn cho việc phát huy chức năng bảo lãnh của quỹ.
Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập để hỗ trợ các doanh nghiệp, việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp là một công cụ tài chính rất rủi ro vì khả năng trả nợ của doanh nghiệp là thấp.
Tuy nhiên, việc bảo lãnh này là cần thiết vì nếu không có bảo lãnh, doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng.
Với nguyên tắc “bảo đảm an toàn vốn”, quỹ sẽ rất dè dặt trong việc cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp, do họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm thất thoát vốn qua việc bồi thường các ngân hàng.
Nguyên tắc “bảo đảm an toàn vốn” đối nghịch với nguyên tắc “chấp nhận rủi ro” khi bảo lãnh doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị sửa đổi nguyên tắc “bảo đảm an toàn vốn” thành nguyên tắc “thận trọng” khi bảo lãnh các doanh nghiệp.
Sử dụng P2P Lending
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số, nhiều hình thức cho vay ngang hàng đã được triển khai tại nhiều quốc gia và ngay cả tại Việt Nam.
Khác với cách cho vay và đi vay truyền thống thông qua ngân hàng là trung gian tài chính, P2P Lending là hình thức cho vay trực tiếp giữa các thành phần kinh tế, qua sự kết nối của một công ty công nghệ thông tin.
Trên thế giới, P2P Lending bắt nguồn từ Anh năm 2005 (Zopa) và nhanh chóng lan mạnh sang Mỹ năm 2007 (Lending Club) và thực sự bùng nổ khi Trung Quốc tham gia với số lượng công ty lên tới hàng nghìn.
Tuy nhiên, do sử dụng nhiều hình thức biến tướng, không phải là P2P đích thực, dẫn đến không kiểm soát được thị trường, Trung Quốc đã trải qua cuộc đại phẫu mạnh khiến cho số lượng các công ty có thể tồn tại chỉ còn khoảng vài chục.
Ở Đông Nam Á, P2P Lending xuất hiện ở nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thailand và Việt Nam.
Tại Việt Nam, trước khi P2P Lending xuất hiện, phải nhắc đến sự có mặt của làn sóng P2P trong các lĩnh vực như chia sẻ xe (Uber, Grab), căn hộ (AirB&B) góp phần gia tăng nhận thức của người dân và sự quan tâm của các cấp quản lý về loại hình mới mẻ này.
Theo thống kê đến đầu tháng 6/2019 của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ P2P Lending tại Việt Nam là xấp xỉ 65.000 tỷ đồng (tương đương với một ngân hàng cấp trung tại Việt Nam) và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Cho đến nay, đã có khoảng 40 công ty tại Việt Nam cho vay theo mô hình này, tuy nhiên phần lớn đều chưa minh bạch và còn nhiều bất cập.
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong hoạt động cho vay ngang hàng.
Trên cơ sở này, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án Sandbox để thử nghiệm mô hình P2P, từ đó đưa ra một dự thảo quy định mô hình hoạt động P2P Lending.
Trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định về P2P Lending để tạo ra một hành lang pháp lý và các chuẩn mực cho các hoạt động P2P.