Vững chính sách tiền tệ cho nền kinh tế đi lên

(ĐTCK) “Những thành quả đạt được của nền kinh tế năm 2019 có sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm việc thực hiện tốt phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách khác, giúp vừa đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa có mặt bằng lãi suất giảm, vừa kiểm soát được lạm phát”. Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị tổng kết ngành ngân hàng mới đây. 
Năm 2019, hệ thống ngân hàng đã cung cấp 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Năm 2019, hệ thống ngân hàng đã cung cấp 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.

Xây dựng cơ sở vững chắc…

Bối cảnh kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu năm 2019 tăng chậm; giá hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp, nhưng biến động với biên độ lớn (đặc biệt là giá dầu), thị trường tài chính toàn cầu biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình cạnh tranh chiến lược và thương mại giữa một số nền kinh tế lớn có xu hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới động lực tăng trưởng kinh tế thế giới.

Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều ngân hàng trung ương thay đổi quan điểm điều hành chính sách tiền tệ thông qua việc hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, nền kinh tế cũng có những khó khăn, thách thức nội tại, tình hình thiên tai và dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dẫu vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong năm 2019, chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát ở mức thấp.

Theo đó, hệ thống ngân hàng đã cung cấp được 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế trong cả năm 2019.

Mặc dù áp lực bởi một lượng lớn thanh khoản đưa ra nền kinh tế, nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động điều tiết thông qua công cụ chính sách tiền tệ.

Kết quả, lạm phát cơ bản biến động trong biên độ từ 1,4-2%, giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa để các bộ, ngành và Chính phủ điều hành nền kinh tế đi lên.

“Đó là điểm thành công lớn nhất và xuyên suốt, có yếu tố then chốt của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn và hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế, trong đó tỷ trọng vốn cho vay trung - dài hạn, vốn đầu tư cho nền kinh tế rất lớn, thì áp lực lên nguồn vốn thường xuyên cao.

Tuy nhiên, trong các thời điểm, kể cả áp lực lãi suất quốc tế cũng như trong nước, NHNN đã kịp thời điều hành các công cụ thị trường để kiểm soát được ổn định mặt bằng lãi suất và khi điều kiện cho phép đã giảm lãi suất cho vay.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng từ ngày 16/9/2019;

Điều chỉnh giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên của tổ chức tín dụng đối với khách hàng từ ngày 19/11/2019.

Điều hành lãi suất cân đối được các yếu tố trong nền kinh tế, người vay vốn, người gửi tiền, cũng như các tổ chức tín dụng được đảm bảo cân đối một cách hài hòa. Nguồn vốn tín dụng vẫn được điều tiết một cách kịp thời, đưa vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

fig come here

Với kết quả đã đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành ngân hàng sẽ vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức mới, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020. Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước 

Mặc dù điều hành tỷ giá luôn là bài toán hóc búa đối với bất cứ ngân hàng trung ương nào trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, nhưng với kinh nghiệm trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất linh hoạt và chủ động, đặc biệt rất kiên định trong điều hành tỷ giá.

Thị trường đều nhận được thông điệp rõ ràng về việc không cố định tỷ giá, mà Ngân hàng Nhà nước đã điều hành ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến của thị trường, phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của ngân hàng trung ương và quan trọng nhất là qua đó tăng được một lượng dự trữ ngoại hối rất lớn, cao kỷ lục từ trước đến nay - xấp xỉ 80 tỷ USD.

Tín dụng năm 2019 ước tính tăng khoảng 13,7% đảm bảo đủ cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhưng vẫn kiểm soát được chất lượng và đảm bảo cơ cấu tín dụng để phát triển kinh tế, không gây rủi ro, bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô.

Ước tính, hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng Việt Nam. Tuy quy mô tín dụng rất lớn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn và kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng tín dụng.

“Công tác thanh tra giám sát được đảm bảo an toàn, song song với đó, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cũng được xử lý rất quyết liệt và có hiệu quả về mặt thực chất, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng tốt hơn, công khai, minh bạch và an toàn hơn, xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, Thống đốc
cho biết.

… Vững vàng trước khó khăn, thách thức mới

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, là năm chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030. Dự báo năm 2020, tình hình khu vực, thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ có thể ảnh hưởng đến niềm tin thị trường và gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu; thị trường tài chính quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Điều này đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để thực hiện các nhiệm vụ năm 2020, ngành ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ mà Thủ tướng vừa ký ngày 1/1/2020; theo dõi sát tình hình để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biến động vĩ mô tiền tệ, tín dụng quốc tế và trong nước.

Bước sang năm mới, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau: Thứ nhất, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và mục tiêu chính sách tiền tệ đặt ra.

Thứ hai, điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Thứ ba, điều hành chính sách tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế "tín dụng đen" và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ...

Thủ tướng chỉ rõ, Ngân hàng Nhà nước phải đồng thời thực hiện 2 mục tiêu: Một là tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, cạnh tranh quốc tế; hai là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, ứng phó, đối sách phải được đặc biệt chú ý; đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan chức năng, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương để thường xuyên trao đổi để có quyết sách hàng tháng trình Chính phủ.     

Hồng Dung
Báo Đầu tư Chứng khoán Tết Canh Tý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục