Sinh lực mới của nền kinh tế
Ngay trước khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV bắt đầu 3 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020, Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019.
Tháng 10 là tháng đầu tiên của quý cuối cùng của năm và bởi vậy, các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực hay tiêu cực sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế không chỉ trong quý IV, mà còn đóng vai trò quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm ở mức nào. Đáng mừng là, các chỉ số này là tích cực và điều đó sẽ góp phần quan trọng tạo thêm “sinh lực” cho nền kinh tế, đồng thời giúp các đại biểu Quốc hội nhìn nhận rõ hơn về nền kinh tế trong năm 2019.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2019 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, IIP ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tuy thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ 2018, song cao hơn khá nhiều so với mức tăng IIP trong 10 tháng những năm gần đây.
Nhiều ngành sản xuất quan trọng của nền kinh tế đã có tốc độ tăng khá cao, như sắt, thép thô - tăng 42,8%; xăng, dầu - tăng 33,2%; tivi - tăng 16,4%; điện thoại di động - tăng 13%... Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang trông chờ nhiều vào công nghiệp chế biến, chế tạo, thì việc sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực sẽ góp phần quan trọng tăng “năng lượng” cho nền kinh tế.
Sản xuất tăng khá, tiêu dùng cũng tăng khá. Tháng 10, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,3% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2019, chỉ số này tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì vẫn còn tăng 9,4%, cao hơn mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước tính đạt 427,05 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng, cả nước ước xuất siêu 7 tỷ USD.
Cả thị trường trong nước và nước ngoài đều tích cực đã tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh phát triển, tạo động lực để ngày càng nhiều hơn người dân, doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh, tăng thêm năng lực cho nền kinh tế.
Số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong tháng 10/2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mức cao với hơn 12.000. Đặc biệt, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh, gấp 3 lần tháng trước và tăng 109,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt hơn 149.000 doanh nghiệp, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cũng được ổn định một cách vững chắc. Không chỉ thặng dư thương mại được duy trì ở mức cao (7 tỷ USD), mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng được kiểm soát ở mức khá thấp. Cụ thể, CPI tháng 10 tăng 0,59% so với tháng trước, còn CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Với kết quả này, nhiều khả năng, lạm phát năm 2019 sẽ được kiểm soát ở mức dưới 3%.
Điều này có nghĩa, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được thắng lợi kép, không chỉ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt trên 6,8%, mà lạm phát được kiểm soát tốt. Và không chỉ vậy, năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phía sau thành tích
Các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng đã tạo thêm căn cứ để các đại biểu tin rằng, năm 2019, kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được những thành tựu đáng tự hào. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ đã khẳng định, kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đạt được “những chuyển biến tích cực, toàn diện” trên nhiều khía cạnh.
Không chỉ kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát dưới 3%, mà bội chi ngân sách chỉ 3,4% GDP, cán cân thương mại thặng dư, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá…
Cùng với đó, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam có điểm số tăng mạnh nhất trong các quốc gia…
Những kết quả trên là đáng mừng, nhưng chắc chắn, sẽ tiếp tục được nhìn nhận, phân tích trên nghị trường Quốc hội, bắt đầu từ ngày mai, để nhận ra các điểm yếu của nền kinh tế, tìm giải pháp xử lý, để làm sao nền kinh tế tiếp tục tăng tốc phát triển trong năm 2020, cũng như cả giai đoạn sau.
Thực tế, khi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội 2019, ngay sau khi Chính phủ công bố báo cáo kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ những băn khoăn đằng sau các số liệu rất đẹp về kinh tế năm 2019.
Một trong số đó là dù tăng trưởng kinh tế năm nay có thể vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng chủ yếu nhờ vào tăng trưởng của nhóm ngành chế biến, chế tạo, với những sản phẩm mà phía Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị chỉ là phần gia công, lắp ráp và tăng trưởng về giá trị sản xuất thực ra không liên quan gì đến tăng trưởng giá trị tăng thêm.
Chưa kể, tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng tăng trưởng. Chất lượng nhân lực và năng suất lao động còn ở mức thấp. Hiệu quả sử dụng nguồn lực khu vực công còn nhiều bất cập. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, dẫn tới hiệu quả chưa cao…
Kết quả thu ngân sách nhà nước năm nay ước vượt dự toán khoảng 3,3% và đây là năm thứ hai trong giai đoạn 2016 - 2020 có vượt thu ngân sách trung ương. Tuy vậy, thu ngân sách vẫn thiếu bền vững, khi tỷ lệ huy động từ thuế, phí chỉ đạt 20,2% GDP, thấp hơn so với mục tiêu (21% GDP), thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh khả năng không đạt dự toán và có khoảng 10 địa phương ước thu nội địa không đạt dự toán.
Trong khi đó, ở chiều chi ngân sách, tỷ lệ chi thường xuyên năm nay khoảng 61,58%, cao hơn năm 2016 và 2017. Với cơ cấu chi tiêu như vậy, ngân sách Việt Nam gần như không còn tiền để chi cho đầu tư phát triển...