Sự thật đằng sau lạm phát của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ đã tăng 0,9% so với tháng 9/2021 và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất của quốc gia này kể từ tháng 1/1990.
Lạm phát của Mỹ trong tháng 10 tăng vượt mọi dự báo. Lạm phát của Mỹ trong tháng 10 tăng vượt mọi dự báo.

Theo Cục Thống kê, Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tăng là do mức tăng giá hàng tháng của tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa, nhưng chủ yếu do đà tăng của giá năng lượng, nhà ở, thực phẩm, xe hơi và xe tải. Giá năng lượng tăng ở mức "đáng kinh ngạc" 4,8% trong tháng 10 vừa qua, trong khi giá thực phẩm tăng 0,9%.

Trước đó, trong thông cáo sau cuộc họp Ủy ban Thị trường mở đầu tháng 11, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, lý do chính khiến giá cả tăng mạnh là nguồn cung bị tắc nghẽn và vì thế, lạm phát sẽ chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, có một lý do sâu xa hơn để lý giải cho câu chuyện lạm phát của Mỹ, đó là sự tập trung quá mức của nền kinh tế nước này vào tay một số tập đoàn lớn. Khi chiếm một thị phần đủ lớn, các tập đoàn này có khả năng thao túng giá cả. Nhìn theo cách này, vấn đề cơ bản không phải là lạm phát mà là thiếu sự cạnh tranh. Các công ty chỉ đang lấy lạm phát ra làm cái cớ, để tăng giá các mặt hàng của mình và tạo ra lợi nhuận béo bở hơn.

Ví dụ, hồi tháng 4/2021, Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) thông báo họ sẽ bắt đầu tính phí nhiều hơn đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, từ tã giấy đến giấy vệ sinh, với lý do “chi phí nguyên liệu thô như nhựa và bột giấy tăng cao và chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn”.

Nhưng P&G đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Trong quý III, công ty này đã báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 24,7% so với cùng kỳ năm 2020. P&G thậm chí đã chi 3 tỷ USD trong quý để mua cổ phiếu quỹ.

Sở dĩ P&G có thể tăng giá và kiếm được nhiều tiền hơn bởi công ty này hầu như không gặp phải sự cạnh tranh nào trên thị trường.

Thị phần tã giấy của Mỹ được kiểm soát bởi chỉ hai công ty - P&G và Kimberly-Clark nên họ có thể dễ dàng điều phối về giá cả. Không phải ngẫu nhiên mà Kimberly-Clark thông báo tăng giá tương tự như P&G vào cùng thời điểm P&G đưa ra thông báo tăng giá.

Tương tự, vào tháng 4 năm nay, PepsiCo thông báo sẽ tăng giá bán các đồ uống giải khát, đổ lỗi cho “chi phí cao hơn đối với một số nguyên liệu, vận chuyển và nhân công”. Trong khi đó, công ty này ghi nhận 3 tỷ USD lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm. Coca-Cola cũng thông báo tăng giá cùng thời điểm với Pepsi và có mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 28,9% trong quý III.

Có thể thấy, một mô hình tương tự trong giá năng lượng. Các chuyên gia trong ngành cho biết các công ty dầu khí đã kiếm được nhiều tiền hơn khi để giá dầu tăng cao trước khi tăng cường thêm nguồn cung. Các công ty năng lượng làm được điều này bởi vì các nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn không hoạt động trong một thị trường cạnh tranh. Họ có thể thao túng nguồn cung bằng cách phối hợp với nhau.

Kể từ những năm 1980, khi chính phủ Mỹ từ bỏ việc thực thi chống độc quyền, 2/3 tổng số các ngành công nghiệp của Mỹ đã trở nên "cô đọng" hơn.

Chính phủ Mỹ đã “bật đèn xanh” cho việc hợp nhất Phố Wall thành 5 ngân hàng khổng lồ, trong đó JP Morgan là ngân hàng lớn nhất, hay việc thu số hãng hàng không từ con số 12 vào năm 1980 thành 4 hãng ngày nay, hiện kiểm soát 80% thị phần nội địa.

Tập đoàn Boeing và McDonnell Douglas cũng đã hợp nhất, khiến Mỹ chỉ còn lại một nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn: Boeing.

Một số ít các công ty dược đang kiểm soát ngành công nghiệp dược phẩm Mỹ có thể kể đến Pfizer, Eli Lilly, Johnson & Johnson, Bristol-Myers Squibb và Merck. Tất cả điều này cho phép các công ty có thị phần đủ lớn để có thể thao túng giá.

Fed đã ra thông điệp rằng họ sẽ không tăng lãi suất trong thời điểm hiện tại, tin rằng lạm phát đang được thúc đẩy bởi sự tắc nghẽn nguồn cung tạm thời. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đang tham vấn các tập đoàn công nghiệp dầu khí trong nỗ lực ngăn chặn giá khí đốt tăng và tìm cách tháo gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Nhưng những điều này không giải quyết được cốt lõi của vấn đề, trong đó lạm phát về giá cả là một biểu hiện của việc nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc vào số ít các tập đoàn lớn, có đủ quyền lực để thao túng giá và tăng lợi nhuận. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết một cách: sử dụng tích cực luật chống độc quyền.

Giá dầu tăng đẩy nhanh tốc độ “điện hóa” ngành ô tô

Giá năng lượng và giá cả các loại nguyên vật liệu, hàng hoá đã tăng chóng mặt trong vài tháng trở lại đây, đặc biệt là giá nhiên liệu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng giá dầu đã tăng gấp rưỡi trong năm nay lên quanh mức 78 USD/thùng và có thể tăng cao hơn nữa, trừ khi các nhà sản xuất dầu lớn như OPEC và OPEC+ tăng sản lượng.

Giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí khi chạy xe điện rẻ hơn có thể khuyến khích nhiều người chuyển đổi sang xe điện sớm hơn kế hoạch, thúc đẩy nỗ lực cắt giảm khí thải từ phương tiện giao thông.

Theo một phân tích mới về thị trường xe điện của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), giá pin cho các loại xe điện đã giảm 35% vào năm ngoái và các loại xe điện đang trên đà có giá cả phải chăng như các loại xe chạy xăng trong vòng 6 năm tới. Đó sẽ là bước khởi đầu cho sự bùng nổ thị trường ô tô điện. Theo dự đoán, đến năm 2040, ô tô điện sẽ có giá dưới 22.000 USD và khoảng 35% lượng ô tô mới bán ra trên toàn thế giới sẽ có “phích cắm”.

Đến cuối năm 2020, đã có 10 triệu xe điện trên toàn thế giới với doanh số bán hàng đã tăng khoảng 60% trên toàn thế giới.

Các chuyên gia ước tính xe điện có thể thay thế nhu cầu khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày sớm nhất là vào năm 2023. Điều đó sẽ tạo ra tình trạng dư thừa dầu tương đương với những gì đã gây ra cuộc khủng hoảng dầu năm 2014. Wood MacKenzie dự báo, năm 2035, sẽ nâng tổng số xe điện lên con số 125 triệu xe.

Xu hướng xe điện ngày càng định hình rõ trong những năm gần đây và trong vài năm tới, các hãng xe như Tesla, Chevy và Nissan có kế hoạch bắt đầu bán ô tô điện với giá “mềm” hơn, khoảng 30.000 USD.

Các nhà sản xuất ô tô và công ty công nghệ khác cũng đang đầu tư hàng tỷ USD để phát triển hàng chục mẫu xe điện mới. VinFast cũng không đứng ngoài cuộc đua này khi đã nghiên cứu và cho ra mắt các sản phẩm ô tô và xe máy điện. Bên cạnh đó, trong năm nay, hãng đang triển khai gần 40.000 cổng sạc tại bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, công sở, chung cư… Đây là những hạ tầng cốt yếu để xe điện hoạt động.

Sáng ngày 18/11 theo giờ Việt Nam, hãng xe Vinfast lần đầu tiên xuất hiện ở triển lãm Los Angeles Auto Show. Đây là sự kiện chính thức đánh dấu việc VinFast gia nhập thị trường Mỹ với hai mẫu xe điện chủ lực VF e35 và VF e36. VinFast có kế hoạch cung cấp các đơn đặt hàng trực tiếp cho các thị trường toàn cầu vào mùa xuân tới và dự kiến giao chiếc xe điện đầu tiên vào cuối năm 2022.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục